“Đô thị đại học” không thể là một ốc đảo

Cập nhật 30/10/2008 14:00

* Quy hoạch các khu đại học tập trung

Sáng 29-10, tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm về “Xây dựng mô hình đô thị ĐHQG TP.HCM” với sự tham gia của các kiến trúc sư, các nhà khoa học về quy hoạch đô thị. Tuy khá phổ biến ở các nước tiên tiến, nhưng theo các đại biểu, khái niệm “đô thị đại học” còn quá mới mẻ đối với VN nên “cần phải làm rõ các khái niệm trước khi định ra một đầu bài cho công tác quy hoạch”.

PGS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết ĐHQG được thành lập từ năm 1996 nhưng mãi đến năm 2003 mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 với tổng diện tích hơn 643ha thuộc địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Do một thời gian dài công tác quy hoạch không được quan tâm đúng mức nên hiện nay đã bộc lộ sự chệch choạc trong việc bố trí các công trình chức năng, cảnh quan cũng như thiếu trầm trọng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ mục tiêu học tập, đào tạo. “Với hơn 50.000 sinh viên hiện nay, hơn 105.000 sinh viên vào năm 2025 và hàng ngàn cán bộ giảng dạy thì nơi đây không chỉ là khu tập trung các trường đại học mà là một đô thị thật sự” - ông Bình nói.

Là người được giao chủ trì đề án “Xây dựng mô hình đô thị ĐHQG TP.HCM”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng đã là đô thị thì phải là một không gian mở, trong đó hội đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí thân thiện phù hợp môi trường giáo dục. Đồng tình với quan điểm này, các nhà quy hoạch, các chuyên gia kiến trúc cho rằng cần phải xây dựng mối quan hệ dung hòa giữa tính chất sôi động, đa diện của một đô thị với đặc thù mang tính hàn lâm của môi trường giáo dục. “Trong hơn 640ha này không thể chỉ có thuần các công trình phục vụ giảng dạy mà cần phải có hạ tầng đô thị, dịch vụ phục vụ cho hàng trăm ngàn cư dân là sinh viên ở đây. Chưa kể phải tính tới chuyện chủ thể quản lý đô thị là ai, chủ thể quản lý giáo dục ở đây là ai…” - kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất gợi ý.

Các đại biểu đều cho rằng đô thị ĐHQG không thể là một “ốc đảo” mà phải đặt trong mối liên kết rộng hơn của cả vùng Đông Nam bộ và cả phía Nam để có thể tận dụng hạ tầng sẵn có của khu vực xung quanh, phát huy thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật như một thành phố tri thức đúng nghĩa.

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ĐHQG phải hoàn tất công tác quy hoạch để sớm triển khai trong thời gian từ nay đến năm 2013. Và dự kiến đầu năm 2009 sẽ có một hội thảo quốc tế để tiếp tục lấy ý kiến cho mô hình đô thị đại học đầu tiên của VN này.

* Lãnh đạo Bộ GD-ĐT vừa họp với Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em để bàn về việc quy hoạch khu đại học tập trung nhằm tăng quỹ đất, tạo điều kiện để cải thiện môi trường sư phạm, đầu tư cơ sở vật chất để nâng chất lượng đào tạo.

Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, các trường ĐH, CĐ khu vực TP.HCM và Hà Nội là những trường đang phải đối diện với khó khăn nhiều nhất về quỹ đất. Để giải quyết bất cập về đất cho trường ĐH, CĐ, giải pháp di dời các trường ra ngoại thành, thành lập các khu đô thị đại học đang được Bộ GD-ĐT tập trung thảo luận.

Hiện có ba phương án được đặt ra: di dời toàn bộ, một phần hoặc giữ nguyên các trường ĐH, CĐ đang ở trong nội thành TP.HCM và Hà Nội. Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến của các trường về những phương án trên, đồng thời yêu cầu các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội rà soát và báo cáo về quy mô sinh viên, ngành nghề đào tạo, số lượng, chất lượng GV thực tế, dự báo phát triển ổn định tại thời điểm năm 2020 và sau năm 2025, diện tích đất đai, khuôn viên nhà trường... Những dữ liệu trên của các trường ĐH, CĐ sẽ làm căn cứ quan trọng để quyết định việc quy hoạch các khu đại học tập

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ