Đô thị cần có gương mặt

Cập nhật 09/12/2008 10:13

Nhà văn Chu Lai, nữ nghệ sĩ nghiếp ảnh Hazel Thompson (Anh) và nhà quay phim Jamie Maxtone-Graham (Mỹ) vừa trò chuyện về không gian văn hóa và bản sắc đô thị tại Hà Nội. Người Đô Thị ghi lại đôi nét từ cuộc trò chuyện này.

Tìm màu đô thị

Nhà văn Chu Lai khẳng định: “Không có đô thị không màu, chỉ có đô thị nhạt màu, hay đậm màu”. Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Hazel Thompson: “Màu sắc đô thị do con người tạo ra dựa vào truyền thống và lối sống, vào sự gắn kết cộng đồng người. Ở London, tôi gặp diện mạo của TP ở chính những ngôi nhà, con người. Chính những cái rất riêng của cộng đồng người ở London tạo nên bức tranh tổng thể của London. Những năm 1960, thanh niên London không có nơi nào để giải khuây. Họ đi tìm những nơi có thể đến để nghe nhạc, uống cà phê. Từ đó xuất hiện nhóm cộng đồng thích nghe nhạc rock, chuyện gẫu và chạy xe máy và điều ấy tạo nên một “biểu tượng sống” riêng của người London”. Khách quốc tế đến thăm VN không phải để xem những tòa nhà cao chọc trời, hay những siêu thị (nơi nào chẳng có), mà muốn biết con người VN sống và tạo nên bản sắc văn hóa riêng như thế nào. Người ta đến để biết văn hóa - là lối sống của con người, chứ không phải là diện mạo bên ngoài của TP.

“Một bát phở tôi ăn, mùi vị của nó ngày hôm nay, ngày mai hay những ngày sau nữa vẫn là phở chứ không phải là bún, miến - nhà quay phim Jamie Maxtone-Graham chia sẻ - TP nào cũng phải có gương mặt để nhận diện. Nếu không có màu, không có hình hài, ta không thể nhận diện được. Một đô thị không thể vô hồn”.

Phân biệt các thành phố

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, việc du nhập những trường phái, phong cách trong mọi mặt đời sống là tất yếu. Nhưng theo Jamie Maxtone-Graham, Mỹ là nơi “nhập khẩu văn hóa” nhiều nhất, bởi dân nhập cư mang theo bản sắc, nền văn hóa ở những nơi họ ra đi. Ở New York, người ta đi bộ, đi tàu điện ngầm, dân Los Angeles đi lại chủ yếu bằng ô tô, cùng với đó là cách ăn mặc... Mỗi TP đều có màu sắc riêng. Ở VN, Sài Gòn, Huế, Hà Nội... đều có nhà cao tầng, cũng xe máy nghèn nghẹt, nhưng ta vẫn phân biệt được chúng. Vì thế, xin đừng hiểu sai hội nhập, nếu hiểu sai thì không thể giữ được bản sắc. Mà nên hiểu bản sắc một TP được làm nên bởi chính mỗi con người.

Cô Hazel Thompson: Quá trình phát triển không chỉ có mặt tốt. Ở London, những năm 1960, nhu cầu nhà ở tăng đột biến, xây dựng cũng rất nhiều. Nhưng giờ thay vì xây nhiều nhà ở, đã quay sang tạo ra nhiều mặt bằng công cộng để mọi người gắn kết hơn. Hài hước cùng chút hoài niệm, nhà văn Chu Lai lại thấy: “Nếu cuộc sống chỉ một màu, giống như tất cả các cô gái đẹp có số đo như nhau, thì... hiểm họa vô cùng. Hãy nhìn Hà Nội từ trên xuống, một đô thị lộn xộn, nham nhở vá víu với nhà siêu mỏng, nhiều kiểu kiến trúc Âu-Á, cổ-kim... Mỗi ngôi nhà một “cá tính”, nhưng nếu tất cả những ngôi nhà đều theo “cá tính của mình” thì tổng thể ấy không còn cá tính nữa. Hà Nội ngày càng trở nên hiện đại nhưng cũng từng ngày mất đi cái buồn man mác, thanh cao. Cái buồn ấy là từ phù sa sông Hồng, là gió heo may của hồ Gươm... Hà Nội ngày xưa có cái gì tĩnh lặng, thâm trầm, hướng nội. Nhưng hôm nay vẻ đẹp của nó như muốn vỡ tung”.

Ông mơ màng: “Thời bao cấp đặc sệt Hà Nội. Đêm nghe tiếng giày uể oải gõ lên hè phố, nó buồn một cách dửng dưng. Một chút bản sắc văn hóa ở bên trong hương hoa sữa thổi dọc phố với heo may. Còn hôm nay TP là điện tử, thương phố và ngào ngạt mùi mỹ phẩm. Màu của Hà Nội giờ là màu của nhẫn nại trong khói bụi kẹt xe, trong bê tông cốt thép của những tòa nhà chọc trời”.

Cảm nhận từ ngoài vào trong


Đến Hà Nội vài ngày đầu, ấn tượng của Hazel Thompson là: “Chứng kiến cảnh giao thông, tôi sợ hãi. Vào giờ cao điểm, xe máy trèo lên cả vỉa hè. Dường như Hà Nội là TP có nhiều xe máy nhất ở những nơi tôi đã đến. Nhưng đó là cảm nhận ban đầu, bên ngoài. Sau đó tôi khám phá ra một điều tôi yêu: những cái hồ ở Hà Nội. Nơi tôi ở có cửa sổ nhìn ra hồ. Nó thật đẹp. Khung cảnh đông đúc khiến tôi nhớ tới London, nhưng những hồ ở Hà Nội khiến tôi thư giãn và làm mất dần sự ồn ào do giao thông”.

Đến VN tám lần (trong 19 năm) là tám lần cảm nhận sự thay đổi của Hà Nội - với Jamie Maxtone-Graham, “Sự thú vị là cảm nhận được cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong về mỗi thế hệ lớn lên trong TP này. Thế hệ trẻ có những sở thích, ăn mặc, cách cư xử khác. Điều đó cũng tạo nên bản sắc. Nhưng nhiều bạn trẻ chưa thấy hết những cái đặc biệt của Hà Nội. Hãy giữ lại những kiến trúc cổ của TP, là những giá trị tuổi tác của Hà Nội để thế hệ trẻ nhận biết về TP này. Tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ có cách giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm khói bụi... và họ sẽ giữ bản sắc TP theo cách của họ”.

Luôn tìm về hồi ức, nhà văn Chu Lai nhớ người Hà Nội lãng mạn. “Cái lãng mạn làm nên văn hóa. Giao thừa vẫn dòng người quanh hồ Gươm. Cầu Long Biên như người vợ tần tảo và kiêu hãnh vắt qua sông Hồng. Năm tháng sẽ trôi qua, nghèo sẽ giàu, đói sẽ no. Hồn cốt của TP là bản sắc văn hóa. Bản sắc còn là hồn cốt còn. Con người làm nên văn hóa. Văn hóa bồi dưỡng con người”.

Cô Hazel Thompson nhấn mạnh: “Cộng đồng luôn luôn sống động, cần tạo ra những không gian cộng đồng. Vì vậy, các TP cần có nhiều lễ hội, nhiều hoạt động, mới tạo nên đặc trưng văn hóa, và nó sẽ tạo nên sự khác biệt nhất định cho mỗi TP”.

Người Đô Thị