Dở khóc dở mếu do mất tiền tỷ khi mua đất nền tại một dự án biệt thự

Cập nhật 10/11/2017 09:43

Hàng chục biệt thự xây dở dang, rêu phong phủ mốc, heo hút, thậm chí có nhiều căn xong rồi nhưng không người ở,… đó chính là những gì đang diễn ra tại Dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình (phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

“Siêu lừa” bán ôtô giá rẻ khiến nhiều đại gia mất tiền tỷ

Điều khiến người dân bức xúc tại dự án này chính là gần chục năm qua, rất nhiều hộ dân mua đất nền biệt thự tại đây chưa bao giờ được cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vì một lẽ: Trước khi ký bán cho khách, chủ đầu tư đã đưa “sổ đỏ” vào ngân hàng thế chấp...

Lần theo nội dung trong đơn mà người dân gửi đến Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh, ngày 4-11, chúng tôi tìm tới Dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình. Nằm ngay bên QL51C (thuộc phường 10, TP Vũng Tàu), dự án này do Công ty TNHH TV-DV-TM Thanh Bình (Công ty Thanh Bình, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư.

Một góc dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình.

Dự án được rao bán, quảng cáo rất hấp dẫn với nhiều hạng mục khép kín như: Biệt thự biển đơn lập, song lập, khu resort, khách sạn cao cấp, công viên, hồ bơi, khu thể dục thể thao… Thế nhưng khi đến đây, không như mường tượng ban đầu, đó là một dự án với nhiều khu biệt thự được xây dở, rêu phủ đầy; chỉ có lác đác vài căn đang được chủ nhà vào ở.

Bà Võ Thị Hồng (ngụ tại phường 8, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, gần cuối tháng 8-2010, bà mua lại nền đất B3 (Khu A) thuộc Khu biệt thự du lịch Thanh Bình của ông Phan Văn Thái với giá bán gần 4 tỷ đồng. Vì nền đất này trước đây ông Thái mua của Công ty Thanh Bình nên khi bà Hồng mua lại, bà Hồng được ông Thái dẫn đến gặp chủ đầu tư.

Ngay sau đó, Công ty Thanh Bình đã thanh lý hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với ông Thái; và ngày 10-9-2010, ký hợp đồng chuyển nhượng mới với bà. “Tôi đã thanh toán cho Công ty Thanh Bình khoảng 2,4 tỷ, tương đương với 90% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên khi hỏi khi nào tôi mới nhận được sổ đỏ, phía chủ đầu tư cứ chây ỳ không trả lời hoặc trả lời qua loa, không trách nhiệm”, bà Hồng kể.

Cho đến ngày 25-8-2014, phía Công ty Thanh Bình có văn bản trả lời bà Hồng rằng Công ty đang làm thủ tục tách sổ để bàn giao cho quý khách nhưng do một vài yếu tố khách quan nên thủ tục tách sổ chưa hoàn thành. Vì vậy, Công ty chưa thể bàn giao…

Thực tế theo tìm hiểu của bà Hồng và hồ sơ xác minh của Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định: Nền đất B3 (khu A) của bà Hồng đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số TC7691 từ ngày 4-6-2008 (tức trước khi bà Hồng ký hợp đồng nhận chuyển nhượng từ chủ đầu tư) cùng nhiều nền đất khác.

Tuy nhiên, nền đất này đã bị ông Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Thanh Bình ký thế chấp chung với nhiều nền đất khác cho một ngân hàng có chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, hiện do chưa thanh toán nợ gốc và tiền lãi, thuộc diện nợ xấu nên có nguy cơ bị phát mãi để đảm bảo trả nợ cho ngân hàng và sổ đỏ.

Theo điều tra của PV Báo CAND, vào tháng 5-2017, có 18 khách hàng mua nền đất tại dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình phát hiện việc Chi cục Thi hành án dân sự TP Vũng Tàu tiến hành thủ tục phát mãi để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho một chi nhánh Ngân hàng do Công ty Thanh Bình đã thế chấp nhiều nền đất từ trước đó.

Để tiệm cận bản chất của câu chuyện, PV Báo CAND đã trao đổi với một nạn nhân khác - ông Bùi Huy Tân (quê Hà Nội). Ông Tân kể ông mua nền đất C2.10 Dự án Khu biệt thự Thanh Bình từ năm 2010 và đã trả trên 5 tỷ đồng - tương đương 90% giá trị nền đất. Thế nhưng, đến bây giờ, sau gần 7 năm vẫn chưa được chủ đầu tư giao sổ đỏ. Khi ông tìm hiểu thì mới tá hỏa khi biết rằng chủ đầu tư này đã đem lô đất của mình thế chấp ngân hàng cách nay 6 năm.

Tương tự, bà Hoàng Thị Vượng (cư trú tại phường 6, quận Tân Bình) cho biết bà mua đất nền ở khu biệt thự du lịch Thanh Bình từ cách nay 10 năm, thế nhưng tới giờ bà vẫn chưa thấy “mặt mũi” sổ đỏ của lô nền này thế nào dù đã thanh toán đúng 95% như theo thỏa thuận trong hợp đồng.

“Khi biết sổ đỏ đã có trước đó nhưng đã bị đưa vào thế chấp trong ngân hàng, tôi mới biết mình đang đối mặt với nguy cơ bị lừa. Cũng như nhiều nạn nhân khác, tôi đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng không hiểu vì sao tới nay chúng tôi vẫn chưa thấy phản hồi”, bà Vượng kể. 

DiaOcOnline.vn - Theo CAND