Quốc hội đang trăn trở sửa luật Đất đai với một tâm niệm làm sao để giảm bớt khiếu kiện của người dân xung quanh vấn đề thu hồi và đền bù đất. Trong khi đó, dự thảo luật Đất đai sửa đổi dường như chưa đưa ra được phương án nào có tính khả thi và đột phá để Quốc hội và người dân có thể chấp nhận. Vậy, bài toán và lời giải đang ở đâu?
Hãy bắt đầu bằng căn cứ thu hồi đất, rồi mới đi đến việc định giá đất. Bởi cần tiếp cận trước hết từ “quyền” của các bên liên quan bao gồm: Nhà nước, người sử dụng đất và chủ đầu tư, thay vì chỉ nói về kinh tế, tức giá đất bao nhiêu?
Hiến pháp và bộ luật Dân sự đã khẳng định rõ ràng rằng quyền sử dụng đất là một loại tài sản thuộc sở hữu của người dân được pháp luật bảo vệ. Từ tuyên ngôn chính trị và pháp lý này, chỉ có hai nguyên tắc và con đường pháp lý để thu hồi quyền sử dụng đất. Đó là, thứ nhất, Nhà nước có quyền thù hồi đất (hay bất cứ tài sản nào khác) của người dân vì lý do an ninh quốc gia và lợi ích công cộng, và thứ hai, người dân có quyền từ bỏ quyền sở hữu quyền sử dụng đất của mình bằng cách tự nguyện chuyển giao cho người khác theo thoả thuận.
Trong những năm qua, các vụ khiếu kiện đất đai của người dân gia tăng bởi một nguyên nhân đơn giản nhưng cốt lõi, đó là Nhà nước (mà chủ yếu là các cơ quan chính quyền địa phương) đã vận dụng một cách khá triệt để các quy định vốn đi ngược Hiến pháp và bộ luật Dân sự trong các luật về quy hoạch, đầu tư và đất đai, nhằm loại bỏ áp dụng nguyên tắc thứ hai nói trên. Cụ thể, người dân đã bị cưỡng ép hay không còn quyền được chuyển giao quyền sử dụng đất và định giá đền bù theo thoả thuận. Đó là trường hợp các chủ đầu tư, bao gồm cả tư nhân và nước ngoài, đã mượn tay chính quyền để thu hồi đất của người dân cho các dự án của mình, nhằm mục đích “phát triển kinh tế” mà luật Đất đai 2003 đã ghi nhận một cách mở rộng trái với quy định của Hiến pháp.
Chúng ta có thể vui mừng rằng bất cập căn bản này đã được nhận ra trên các diễn đàn của Quốc hội và dư luận. Tuy nhiên, giải pháp tiếp theo để khắc phục là gì?
Luật Đất đai có thể quy định một cơ chế đàm phán và thoả thuận tập thể giữa chủ đầu tư và cộng đồng dân cư với sự trung gian của chính quyền địa phương. Như vậy, giá đền bù sẽ phụ thuộc vào thoả thuận giữa hai bên, chứ không phải “thị trường” chung chung, bởi nếu không đạt được thoả thuận và giao dịch về đất không diễn ra thì làm sao xác định được giá thị trường? |
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị