“Rõ ràng là chính sách về đất đai của ta chưa ổn. Cuộc sống là một dòng chảy, luôn vận động và thay đổi. Cuộc sống phong phú hơn cái đầu của những người làm quản lý, nhất là đối với những cái đầu ngồi trong phòng giấy.”
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Mai Ái Trực nói tại hội nghị kiểm điểm công tác của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT tuần qua.
Định giá đất độc lập với nhà nước
Vấn đề nhiều người dân phải chịu thua thiệt khi bị thu hồi đất được nhiều chuyên gia ray rứt. Ông Tôn Gia Huyên - Hội Khoa học đất cho rằng: “Với cơ chế của ta hiện nay, khi giá đất trên thị trường có biến động thì giá đất của nhà nước không theo kịp. Khung giá đất mà nhà nước ban hành rất cứng nhắc và mang nặng tính áp đặt. Nhà nước chỉ nên quản lý về giá ở tầm vĩ mô”.
Theo ông Huyên, giá đất thực tế luôn biến động. Giá đất đền bù cho người bị thu hồi đất phải là giá thị trường. Muốn làm được điều này thì phải có hệ thống định giá đất, đó là các tổ chức định giá đất. Ở đó phải có các chuyên gia có kiến thức và đạo đức. Mỗi thửa đất khi tính giá đền bù phải do tổ chức ấy định giá. Nếu kết quả định giá không được người dân hoặc nhà nước chấp nhận thì vụ việc phải đưa ra tòa để giải quyết. “Khi làm công khai, dân chủ như vậy thì sẽ hạn chế được tranh chấp, khiếu kiện như hiện nay” - ông Huyên nhấn mạnh.
“Đẻ” giấy tờ để hành dân
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, việc cấp giấy chứng nhận ở nhiều tỉnh còn chậm. Kết quả cấp giấy chứng nhận năm 2008 chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Đối với đất ở tại đô thị, diện tích được cấp “giấy đỏ” mới chỉ đạt trên 60%. Đất chuyên dùng và đất lâm nghiệp cũng có tỷ lệ cấp giấy thấp.
Nhiều địa phương trong quá trình giải quyết cấp giấy còn “đẻ” ra nhiều loại giấy tờ ngoài quy định, thủ tục thực hiện không đúng, kéo dài thời gian. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận chủ yếu vẫn dựa vào các loại bản đồ hiện có với độ chính xác thấp và hiện đã có nhiều biến động. Các địa phương ít đầu tư kinh phí để đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
Hiện cả nước còn trên 200 huyện chưa thành lập văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Nhiều nơi đã có văn phòng thì cán bộ vừa thiếu, vừa yếu.
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết năm 2015 sẽ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận nhà, đất qua mạng. Khi đó việc cấp giấy sẽ đơn giản hơn, hệ thống thông tin về nhà, đất sẽ được cập nhật nhanh chóng và quản lý khoa học. Người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ dẽ dàng hơn trong việc lấy thông tin về từng thửa đất, từng khu vực.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP