Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) vừa chuyển hồ sơ đến Công an TPHCM đề nghị điều tra dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của một người là chủ của nhiều công ty đang thực hiện các dự án bất động sản ở TPHCM.
Theo C03, nhiều cá nhân, tổ chức đã tố cáo ông Phạm Xuân Long, chủ sở hữu một số công ty bất động sản có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân, tổ chức trong việc đầu tư, xây dựng 4 dự án tại TPHCM.
Theo C03, trước đó, cơ quan này đã nhận được đơn tố cáo của Công ty cổ phần An Đại Việt; Công ty I.N.D.E.; Công ty I.N.G.E. và ông Đặng Tất Thịnh (đều ở TPHCM) tố cáo ông Phạm Xuân Long là chủ sở hữu một số công ty bất động sản có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân, tổ chức trong việc đầu tư, xây dựng 4 dự án tại TPHCM.
Điều tra vụ “ông trùm” của nhiều công ty bất động sản lừa đảo khách hàng - 1Nhấn để phóng to ảnh Theo C03, nhiều cá nhân, tổ chức đã tố cáo ông Phạm Xuân Long, chủ sở hữu một số công ty bất động sản có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân, tổ chức trong việc đầu tư, xây dựng 4 dự án tại TPHCM.
“Ăn cơm trước kẻng” tại dự án Huy Hoàng
Trên cơ sở đó, C03 đã tiến hành điều tra xác minh ban đầu cho thấy có thông tin, tài liệu phản ánh dấu hiệu có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản tại dự án Huy Hoàng và Phi Long 5 trên địa bàn TPHCM.
Trong đó, đối với dự án Huy Hoàng ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, vào năm 2002, Công ty Phi Long có chủ trương đầu tư dự án này và các cơ quan chức năng đã chấp thuận địa điểm, hướng dẫn thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên, sau đó do chủ đầu tư không lập thủ tục triển khai, không đủ khả năng tài chính nên UBND huyện Bình Chánh đã ban hành văn bản thu hồi các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây, chấm dứt việc đồng ý chủ trương, chấp thuận địa điểm đối với Công ty Phi Long.
C03 cũng cho rằng, dù chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt, chưa tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng hay đầu tư xây dựng hạng mục gì, chưa phê duyệt 1/500, chưa giao đất... nhưng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phi Long vẫn ký nhiều hợp đồng bán đất, thu của khách hàng số tiền hàng tỷ đồng.
“Từ ngày 23/7/2004 đến ngày 29/7/2005, bà Nguyễn Thị Kim Liên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phi Long đã ký 12 hợp đồng bán đất nền dưới dạng Hợp đồng hợp tác đầu tư cho các ông/bà Lâm Phát, Huỳnh Đăng Khoa và Thái Thị Quỳnh Phương với tổng số tiền đã nộp đợt 1 tại 22 phiếu thu là 2.928.925.000 đồng”, C03 chỉ rõ sai phạm của Công ty Phi Long.
Đất của dân dù chưa tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng hay đầu tư xây dựng hạng mục gì nhưng Công ty Phi Long đã đem bán ra thị trường.
Điều tra vụ “ông trùm” của nhiều công ty bất động sản lừa đảo khách hàng - 2Nhấn để phóng to ảnh Đất của dân dù chưa tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng hay đầu tư xây dựng hạng mục gì nhưng Công ty Phi Long đã đem bán ra thị trường.
“Lạm thu” 1,43 tỷ đồng không có chứng từ?
Cũng theo C03, tại dự án khu dân cư Phi Long 5 ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam làm chủ đầu tư có phần diện tích đất công cộng để làm cây xanh, trạm xăng... chưa hoàn thành đền bù giải tỏa, nhưng năm 2003, ông Nguyễn Trọng Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam vẫn ký hợp đồng bán 1.100 m2 đất làm trạm xăng với giá hơn 3,5 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Thủy Ngần.
Sau đó, bà Ngần nhượng lại cho Công ty I.N.D.E. Tổng số tiền Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam đã thu về của Công ty I.N.D.E. và của bà Ngần là 1,58 tỷ đồng (thể hiện bằng 15 phiếu thu). Chưa hết, theo C03, còn có dấu hiệu cho thấy bà Ngần chi riêng thêm cho ông Phạm Xuân Long 1,43 tỷ đồng không có chứng từ theo yêu cầu của ông Long.
“Ngoài ra, bà Ngần còn phải chi ngoài thêm cho ông Long 1,43 tỷ đồng không có chứng từ theo yêu cầu của ông Long. Đến nay, dự án đã điều chỉnh quy hoạch, không cho làm trạm xăng, khu đất này chuyển thành đất công cộng dự trữ. Từ đó, khách hàng liên hệ khiếu nại nhưng phía ông Long không hồi âm, không đền bù, chi trả cho khách hàng”, C03 cho biết.
Không chỉ có những trường hợp nêu trên, vừa qua, cá nhân ông Đặng Tất Thịnh cũng đã làm đơn tố cáo Công ty Phi Long và Công ty An Đại Việt có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tiền huy động vốn, mua đất hình thành trong tương lai của một số người dân) tại dự án Phong Phú (còn gọi là Nam Sài Gòn) cũng ở huyện Bình Chánh, TPHCM.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí