Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất các biện pháp để chống đầu cơ nhà đất góp phần để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Một trong những công cụ được triệt để áp dụng là các sắc thuế.
Ngày 6.3, Báo giới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam xung quanh vấn đề này. Ông cho biết:
Mặc dù các biện pháp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tuy nhiên quan điểm của bộ là đánh thuế sở hữu với những người có nhiều BĐS. Càng nhiều BĐS hoặc giá trị BĐS càng lớn, mức thuế càng cao. Đây là một cách để hạn chế đầu cơ BĐS, vì suy cho cùng nhà đầu tư nào cũng vì lợi nhuận, nếu họ tính toán thấy không có lợi nhiều thì sẽ lập tức lựa chọn phương án đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn.
* Hiện nay những người có nhiều BĐS lại không tự thể hiện, vậy làm cách nào để đánh thuế?
Chúng tôi kiến nghị giảm thuế chuyển nhượng nhà đất. Thuế chuyển nhượng hiện nay quá cao nên người dân thường giao dịch ngầm để tránh phải đóng thuế. Nếu mức thuế chuyển nhượng hợp lý họ sẽ công khai minh bạch những giao dịch này, vì tâm lý người mua nhà nhất là với một tài sản lớn cũng muốn được pháp luật công nhận.
Chúng ta giảm mức thuế chuyển nhượng chắc chắn sẽ thu được nhiều hơn hiện nay, lấy lượng tăng để bù chất giảm. Mặt khác, cái được lớn hơn là nền tảng quản lý thị trường BĐS được xác lập. Đây cũng sẽ là tiền đề tốt cho việc thực hiện thuế sở hữu BĐS sau này.
* Lợi nhuận đột biến của đầu cơ BĐS đang làm loá mắt các nhà đầu tư khiến thị trường bị thổi cầu ảo bất thường, đẩy giá BĐS lên ngất ngưởng. Bộ có xem xét đến vấn đề hạn chế siêu lợi nhuận chụp giật?
Với những người có lợi nhuận cao từ kinh doanh BĐS sẽ phải nộp thuế thu nhập. Sắc thuế thu nhập cá nhân sẽ điều chỉnh đối tượng này. Việc tạo một nền tảng công khai minh bạch sở hữu cũng như chuyển nhượng BĐS cũng là tiền đề tốt cho việc đánh thuế thu nhập.
* Được biết hạn mức diện tích nhà, Bộ Xây dựng dự định đánh thuế từ 30m2 với một đầu người được người dân cho là quá thấp và "phú quý thụt lùi"?
Hiện chúng tôi chưa đưa ra một định mức cụ thể mà vẫn đang tham khảo. Tuy nhiên về đề xuất hạn mức 30m2/đầu người là có cơ sở từ thực tế. Hiện VN chỉ đạt bình quân 9m2 nhà ở/đầu người. Mục tiêu phấn đấu của VN đến năm 2020 mới là bình quân 20m2/đầu người nên mức 30m2/đầu người là cao. Những người trên hạn mức này mới phải đánh thuế.
Theo khảo sát thì đại bộ phận dân chúng không phải đánh thuế sở hữu nhà. Cũng có nước tính hạn mức theo giá trị, song ở VN có một thực tế là nhiều gia đình có mức thu nhập hiện tại rất thấp nhưng lại đang sở hữu những BĐS có giá trị cao do ông cha để lại. Nếu đánh thuế vào họ sẽ không hợp lý.
Mặt khác giá nhà nay lên, mai xuống sẽ khó xác định mức thuế. Chúng tôi vẫn đang tham khảo kinh nghiệm của các nước và sẽ nghiên cứu đề xuất một cách tính thuế phù hợp với thực tế VN.
* Một trong những kinh nghiệm của Hàn Quốc là phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà cho thuê có trợ giá, chất lượng tốt cho những người dân đô thị có thu nhập thấp. VN sẽ áp dụng vấn đề nhà ở xã hội để giảm đầu cơ?
Đây là một biện pháp hiệu quả của Hàn Quốc, chúng tôi sẽ tham khảo và nghiên cứu. Tuy nhiên nhà ở xã hội là một chính sách quốc gia, phải do Nhà nước chủ đạo. Hiện Bộ Xây dựng cũng đang làm đề án về "Phát triển nhà ở xã hội" trình Chính phủ duyệt.
Đây cũng là một trong những biện pháp tăng nguồn cung chất lượng cho thị trường nhằm cân đối cung - cầu, giúp cho các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nhà ở, góp phần bình ổn giá nhà đất.