Ảnh minh họa: Tuấn Anh |
Khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị do Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá có biến động bất thường, hoặc khi Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng thì được điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần được phép của cấp quyết định đầu tư và các bên có thỏa thuận trong hợp đồng.
Nội dung này được nêu trong nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010.
Việc điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã ký.
Khi điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng không làm vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt thì chủ đầu tư được quyết định điều chỉnh.
Đối với hợp đồng trọn gói thì chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký. Việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian.
Cụ thể, khối lượng công việc phát sinh lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng hoặc khối lượng phát sinh chưa có đơn giá thì các bên thống nhất xác định đơn giá mới theo nguyên tắc thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá cho khối lượng phát sinh.
Nếu khối lượng công vệc phát sinh nhỏ hơn hoặc bằng 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá ghi trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng theo thời gian thì khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị do Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá, hoặc khi Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng thì được điều chỉnh đơn giá nếu được phép của cấp quyết định đầu tư và các bên có thỏa thuận trong hợp đồng.
Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc đối chiếu quy định để thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng phù hợp, tránh tình trạng do biến động giá cả làm đình đốn hợp đồng xây dựng.
Theo nghị định, thông thường, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình xây dựng. Trường hợp phí bảo hiểm này đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm này. Đồng thời, bên nhận thầu phải thực hiện mua các loại bảo hiểm cần thiết để bảo đảm cho hoạt động của mình.
Nghị định cũng nêu rõ, bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng thỏa thuận.
Đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1, thời hạn bảo hành không ít hơn 24 tháng kể từ ngày nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng.
Các công trình còn lại có thời hạn bảo hành không ít hơn 12 tháng với mức bảo hành là 5% giá trị hợp đồng.
Xét theo tính chất công việc, nghị định quy định có 8 loại hợp đồng xây dựng bao gồm hợp đồng tư vấn xây dựng; hợp đồng thi công xây dựng công trình; hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ; hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (gọi tắt là EC); hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ (EP); hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (PC); hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC); hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay.
Xét theo giá hợp đồng, nghị định quy định 5 loại hợp đồng xây dựng gồm hợp đồng trọn gói; hợp đồng theo đơn giá cố định; hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; hợp đồng theo thời gian; hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+