Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).
Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Bình Thuận.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Bình Thuận có 677.181 đất nông nghiệp, chiếm 85,25%; đất phi nông nghiệp là 112.047 ha, chiếm 14,10%; đất đô thị 47.968 ha, chiếm 6,04%.
Đối với các khu chức năng, đến năm 2020, khu sản xuất nông nghiệp có 265.892; khu lâm nghiệp 291.946 ha; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 45.231 ha; khu phát triển công nghiệp 3.048 ha; khu đô thị có 47.968 ha; khu thương mại - dịch vụ 12.203 ha; khu dân cư nông thôn có 39.054 ha.
Từ năm 2016-2020, 35.065 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 31.355 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 337 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.
Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai.
Tiếp tục rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất quốc phòng, đất an ninh kết hợp làm kinh tế; đất do các đơn vị quốc phòng, công an làm kinh tế tại các địa phương để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Tăng cường điều tra đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai; đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong quản lý đất đai, nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đất nông nghiệp quanh sân bay Phan Thiết được rao bán tràn lan
Kể từ khi dự án xây dựng sân bay Phan Thiết được khởi công tại đây vào năm 2015, huyện Thiện Nghiệp mới được nhiều người biết đến. Nhiều người từ khắp nơi đột nhiên đổ xô về đây mua đất. Hoạt động mua bán đất nóng lên. Giá đất tăng lên vùn vụt, tăng đến mức người dân không ngờ tới.
Dọc tuyến đường nối từ đường tỉnh ĐT 706B qua khu vực Triền, nhiều vườn điều và keo lá tràm được rào lại, gắn bảng bán đất. Giá được rao bán hầu hết được tính theo sào (1.000m2) với giá trên dưới 1 tỉ đồng. Một số bán trực tiếp, một số mua đi bán lại.
Không những đất mặt đường, mà đất rẫy nằm trong những vị trí phía trong xa cũng “sốt” giá. Đất rẫy ở mặt đường phần lớn đã được các đại gia thu gom với giá từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha.
Ông Trần Ngọc Hận, Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cho biết trong vòng 3 tháng qua, trên địa bàn đã có hơn 400 giao dịch mua bán đất. Sốt nhất là sau dịp lễ 30.4, xe cộ vào ra nườm nượp đi coi đất và mua đất. Hoạt động cò kéo mua bán đất cũng không kém phần sôi động.
Nhận thấy giá đất tăng đột biến, có dấu hiệu sốt ảo, chính quyền cũng đã tuyên truyền cho người dân cảnh giác, tỉnh táo khi quyết định mua bán. Địa phương lo nhất là việc đất sản xuất nông nghiệp bị thu gom đầu cơ. Người dân bán hết đất, khi xài hết tiền, không còn đất để canh tác.
Đáng lưu ý là dự án sân bay Phan Thiết có tổng diện tích hơn 500 ha, được khởi công vào đầu năm 2015, nhưng đến nay sau hơn 3 năm vẫn án binh bất động, vẫn chỉ là một bãi đất trống.
DiaOcOnline.vn - Theo VGP, VOV