Vài năm trở lại đây, TP Đà Nẵng liên tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của nhiều dự án. Điều đáng nói là hầu hết các dự án sau khi điều chỉnh, diện tích đất dành cho cộng đồng đều teo tóp.
Khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu cũ nằm sát bờ sông Hàn trước đây quy hoạch là đất thương mại dịch vụ, nhưng được điều chỉnh phân lô bán nền - Ảnh: Hữu Khá
|
Việc thay đổi quy hoạch, biến vệt đất ven sông Hàn trước đây của Tổng công ty Sông Thu thành khu đô thị gồm nhà ở và các tòa nhà cao ốc là hoàn toàn không nên. Đây là vệt đất cuối cùng ven sông Hàn, đáng ra cần phải giữ lại để làm công trình công cộng phục vụ người dân Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy (chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng) |
Đáng lo ngại nhất trong các dự án được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), khu đô thị sinh thái Golden Hill (H.Hòa Vang) và vệt đất ven sông Hàn.
Một dự án
điều chỉnh 15 lần
Kiến trúc sư Tô Văn Hùng, trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng, nhìn nhận đến thời điểm này công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Trong đó, giải pháp quy hoạch không tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên nên nguy cơ phá vỡ cấu trúc hệ thống cảnh quan tự nhiên là khó tránh (đặc biệt là các dự án ở phía tây Đà Nẵng như khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và các dự án tái định cư).
Ngoài ra, theo ông Hùng, nhiều dự án khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cùng với việc san lấp ao hồ gây ngập úng cục bộ.
Nhiều đồ án được điều chỉnh quy hoạch dẫn đến tình trạng trước đây Đà Nẵng có 42 hồ nằm rải rác trên địa bàn 7 quận huyện nhưng hiện nay chỉ còn 30 hồ. Toàn TP Đà Nẵng hiện tồn tại 50 điểm ngập úng sâu.
“Tính khả thi của nhiều dự án quy hoạch còn rất hạn chế. Việc triển khai quy hoạch còn tùy tiện, thêm bớt, thay đổi tỉ lệ đồ án sau phê duyệt phải điều chỉnh với tỉ lệ khá lớn, bình quân 43,8%.
Một số dự án điều chỉnh nhiều lần, như khu đô thị sinh thái Hòa Xuân của Tập đoàn Sungroup phải điều chỉnh 15 lần. Dự án khu đô thị sinh thái Golden Hill vừa mới phê duyệt thì mấy ngày sau lại tiếp tục điều chỉnh” - ông Hùng dẫn chứng.
Trước đó, tại nhiều cuộc họp, nhiều lãnh đạo ở Đà Nẵng cũng cho rằng dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đến nay không được “sinh thái” như kỳ vọng.
Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng điều chỉnh quy hoạch khiến một phần rất lớn diện tích đất dành cho công viên cây xanh, đất phục vụ cộng đồng dân cư đã bị teo tóp.
Vì sao điều chỉnh
quy hoạch liên tục?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết nguyên nhân là do chiến lược phát triển đô thị thiếu nhất quán, chịu tác động của thị trường bất động sản và chưa chú trọng tầm nhìn dài hạn.
Ngoài ra, do áp lực tái định cư nên một số đồ án đã được điều chỉnh nhiều lần theo hướng sử dụng các lô đất được quy hoạch là công trình công cộng để chia lô tái định cư.
Do vậy, quy hoạch chi tiết 1/500 thường xuyên được điều chỉnh tăng diện tích đất ở, giảm diện tích đất hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, dẫn đến dự án sau khi được thực hiện không đảm bảo quy chuẩn, thiếu diện tích cây xanh, mặt nước, công viên và công trình phúc lợi công cộng.
Đại diện UBND TP Đà Nẵng cam kết: “Từ nay sẽ không có việc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích đất hạ tầng kỹ thuật, cây xanh”.
Nói về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Trần Đình Hồng (trưởng Ban tổ chức Thành ủy, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng) cho rằng chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần là khá tùy tiện, việc lấy ý kiến người dân đối với các đồ án quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ông Hồng đề nghị nên mời tư vấn nước ngoài tham gia quy hoạch TP để tiếp thu được nhiều ý tưởng phát triển tầm nhìn xa hơn.
Điều chỉnh để bán nền đất, thu lợi nhanh
Theo ông Tô Văn Hùng, một số dự án chức năng đã thay đổi sau khi điều chỉnh. Điển hình, chức năng công cộng (thương mại và dịch vụ) ở khu vực phía tây sông Hàn nay trở thành đất ở, phân lô bán nền.
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp, là đô thị động lực, là điểm nhấn kiến trúc cảnh quan nhìn từ vịnh Đà Nẵng, đến nay đã được TP điều chỉnh cho chuyển đổi thành khu nhà ở mật độ thấp.
Dự án khu đô thị Tây Bắc, trục đường Nguyễn Sinh Sắc, theo quy hoạch chung là trung tâm thương mại dịch vụ nay cũng trở thành khu nhà ở theo kiểu phân lô bán nền.
Khu dân cư Hòa Liên 5, Nam Cầu Đỏ... không có đất dành cho việc xây chợ, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Theo nhiều chủ đầu tư dự án, việc họ xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng phân lô là để dễ bán đất và thu lợi nhanh hơn đầu tư dự án thương mại dịch vụ.