Chủ đầu tư nhiều dự án đã chú trọng hơn việc marketing sản phẩm trước khi đem ra chào bán. Ảnh: Chí Cường |
Sự điều chỉnh mạnh mẽ về giá bán và cách tiếp cận bài bản của chủ đầu tư với khách hàng là cơ sở để thị trường địa ốc từng bước vượt qua khủng hoảng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Công ty Savills Chi nhánh Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam thời gian qua đã có sự điều chỉnh mạnh để phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Cùng với việc tái cơ cấu các dự án theo từng phân khúc thị trường, thì chủ đầu tư cũng nghiên cứu thị trường và marketing một cách bài bản hơn cho từng dự án.
“Trước đây, để tiếp cận với chủ đầu tư các dự án bất động sản là hết sức khó khăn. Hiện tại, các chủ đầu tư đã có thái độ ứng xử với khách hàng, nhà đầu tư mềm mỏng và nhã nhặn hơn, xây dựng giá bán hấp dẫn. Đặc biệt, họ chú trọng hơn đến việc nghiên cứu thị trường, marketing sản phẩm trước khi đưa ra chào bán”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, những diễn biến của thị trường BĐS cuối quý II và đầu quý III/2012 cho thấy, những nỗ lực lớn của giới chủ đầu tư trong việc nâng cao tính thanh khoản của thị trường BĐS.
Ví dụ, trong phân khúc thị trường văn phòng cho thuê, lần đầu tiên sau nhiều tháng suy giảm, thì trong quý II/2012, công suất cho thuê văn phòng đã tăng 3% so với quý I/2012, trong khi giá thuê trung bình giảm 7%. Tương tự, phân khúc thị trường bán lẻ cũng đã tăng về công suất cho thuê, sau khi giảm giá thuê. Trong khi đó, phân khúc căn hộ dịch vụ tăng cả về công suất thuê lẫn giá thuê.
Các chủ đầu tư dự án nhà ở cũng thực tế hơn trong việc định vị phân khúc thị trường. Nếu như trước đây, một số chủ đầu tư vẫn thiên về phân khúc căn hộ cao cấp, thì xu hướng này gần như bị “đoạn tuyệt” trong quý II/2012. Hầu hết các dự án nhà ở được khởi công, mở bán, cất nóc… trong quý này đều thuộc về phân khúc căn hộ bình dân với diện tích nhỏ và mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 trở xuống.
“Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trong nước tranh thủ thị trường suy giảm đã âm thầm mua lại các dự án BĐS và tái cấu trúc sản phẩm, như chuyển từ dự án văn phòng thành khách sạn hoặc nhà ở và chờ cơ hội tốt mới tung ra thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ… cũng đang đặt hàng Savills để tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam”, ông Trung cho biết.
Theo Báo cáo tư vấn chuyên biệt của Công ty TNHH CBRE Việt Nam dành cho nhà đầu tư địa ốc phát hành mới đây, đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực cho thấy sự hồi phục của thị trường. Cụ thể, số lượng khách hỏi mua BĐS đã tăng đáng kể trong quý II/2012. Ngoài ra, lãi suất vay mua nhà đang trở lại mức trước khủng hoảng (14% - 16%/năm) là mức người vay có thể chịu dựng được. Các hình thức hỗ trợ tài chính, như giảm giá, khuyến mãi đang được sử dụng rộng rãi để cải thiện doanh số bán hàng.
Kể từ cuối quý II/2012 đến nay, hầu hết các dự án BĐS được mở bán đều có kèm theo gói hỗ trợ lãi suất từ 6 tháng đến 1 năm từ phía chủ đầu tư.
Bình luận về những diễn biến của thị trường địa ốc thời gian gần đây, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhận định, khác với tình trạng “đóng băng” trong những năm 2003 - 2005, thị trường BĐS hiện vẫn có giao dịch ở những dự án có năng lực tài chính tốt, định vị đúng đối tượng khách hàng. Trong khi nhiều dự án BĐS đã hoặc đang xây dựng, nhưng không thể huy động được vốn, thì những dự án BĐS của Tập đoàn Vingroup nhắm đến đối tượng khách hàng thực sự cao cấp hay một số dự án căn hộ giá rẻ tại Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) nhắm đến người có thu nhập trung bình vẫn có tốc độ bán hàng tốt. “Điều này cho thấy, sự phân hoá mạnh mẽ giữa các dự án, các chủ đầu tư và khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Đó là tín hiệu tốt của thị trường”, ông Võ nói.
Ở khía cạnh ngược lại, theo ông Võ, thị trường BĐS suy giảm mang lại nhiều mặt tích cực đối với nền kinh tế đất nước.
Thứ nhất, các doanh nghiệp đang háo hức tập trung đầu tư vào BĐS để kiếm lợi nhuận lớn sẽ quay trở về với các ngành nghề kinh doanh chính của mình.
Thứ hai, thị trường bớt đi tình trạng đầu cơ nhà đất, người lao động bình thường có khả năng với tới nhà ở cho mình.
Thứ ba, Nhà nước có thời gian để hoàn thiện các công cụ quản lý đối với thị trường, có cơ hội để tạo được một thị trường BĐS lành mạnh và hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư