Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh liên tục có những đề xuất tác động đến đời sống người dân. Thành phố đề xuất tăng phí đỗ ô tô dưới lòng đường ở khu vực trung tâm, đề xuất tăng phí môi trường đối với nước thải công nghiệp, đề xuất tăng thu nhập cho cán bộ công viên chức thành phố..
Một dãy nhà trọ của người nhập cư vào TP Hồ Chí Minh.
|
Nổi bật nhất là đề xuất của Sở Xây dựng thành phố về diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu thành phố là 20m2/người. Theo đó, tất cả tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký hộ khẩu vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố sẽ áp tiêu chuẩn trên, không phân biệt nội ngoại thành.
Như vậy mức diện tích này cao gấp 4 lần so với mức diện tích nhà ở bình quân để đăng ký hộ khẩu hiện nay. Sở Xây dựng cho rằng, tiêu chí bình quân diện tích nhà ở này tương đồng với diện tích bình quân nhà ở tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ 10 nhiệm lỳ 2015 - 2020 là 19,8m2/người. Ngoài ra, theo Sở Xây dựng việc tăng diện tích bình quân về nhà ở trên đầu người nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tình trạng nhập cư.
Thời gian qua TP HCM luôn là “địa chỉ đỏ” mà người nhập cư hướng đến tìm cơ hội mưu sinh, lập nghiệp. Vì lẽ đó hiện nay thành phố đứng đầu cả nước về thành phố đông dân. Hàng năm thành phố đón nhận thêm hàng trăm ngàn người dân đến và sinh sống. Thống kê cho thấy, đầu năm 2018 thành phố có khoảng 9 triệu dân số tĩnh và 3,5 dân số động. Dân số đông, nén chặt ở vùng lõi nên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đáp ứng nổi mới xảy ra tình trạng ngập nước, kẹt xe, quá tải trường học, bệnh viện. Mặc dù khá đông dân cư song thành phố vẫn cố gắng phát triển để trở thành mảnh đất lành đích thực.
Cụ thể, thành phố không ngừng chăm lo tốt cho người dân, kể cả dân nhập cư bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực, nghĩa tình. Thế nhưng, đề xuất quy định về diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu thành phố là 20m2/người có vẻ như thắt chặt, nhất là ràng buộc điều kiện nhập hộ khẩu vốn đang có ý kiến hủy bỏ nhằm đổi mới phương thức quản lý hành chính đối với người dân. Đề xuất trên còn gây lo lắng cho cả những người đã, đang, sẽ học tập, sinh sống tại TP HCM.
Đề xuất về diện tích tối thiểu để được nhập hộ khẩu thành phố của Sở Xây dựng đang tạo ra hai luồng ý kiến đối lập, tuy đều có sự tác động trực tiếp lên dân nghèo thành thị, dân nhập cư. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, qua khảo sát thành phố có đến hơn 500.000 hộ chưa có nhà, hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới, có đến 81.000 hộ (10.000 hộ gia đình là cán bộ, 39.000 hộ nghèo đến cận nghèo, 17.000 hộ lao động trong khu công nghiệp) cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Chưa hết, số lượng sinh viên tại thành phố khoảng hơn 100.000 người, chưa tính gần 3 triệu người nhập cư đang bấp bênh về nơi ở.
Trường hợp đề xuất trên được thông qua đồng nghĩa dân nghèo thành thị, dân nhập cư phải lo lắng tính toán chuyện nai lưng kiếm tiền trả nhà thuê với diện tích rộng hoặc chạy vạy cho bằng được chỗ ở đáp ứng quy định để con cái có điều kiện học tập tại đây. Như vậy, nhiều đối tượng nghèo chưa có hộ khẩu sẽ có nguy cơ càng khó để được nhập khẩu vào TPHCM.
Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng đề xuất diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu thành phố là 20m2/người đang là chính sách tốt cho các nhà đầu tư bất động sản. Quy định này được áp dụng thì thời gian tới thị trường nhà ở sáng sủa hơn vì nhu cầu tăng cao, đặc biệt nhà ở có diện tích lớn chắc chắn sẽ lên ngôi. Lý do, nhà ở diện tích nhỏ không đáp ứng được nhu cầu thực tế đối với việc quản lý hành chính của chính quyền địa phương.
Đã có không ít ý kiến không đồng tình với đề xuất của Sở Xây dựng về diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu thành phố là 20m2/người. Các chuyên gia cho rằng, quy định nhập khẩu theo diện tích ở bình quân hạn chế nhập cư là cản trở sự phát triển. Trường hợp áp dụng, quy định trên vẫn không giảm được áp lực tăng dân số.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu- phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM khẳng định, quy định diện tích ở bình quân để nhập khẩu không cần thiết vì không thể giải quyết một cách căn cơ, tạo gánh nặng cho xã hội. Vị này thông tin, ở các quốc gia phát triển, nhà nước quản lý công dân bằng mã số định danh. Ở nước ta cũng đang tính đến việc đơn giản hóa thủ tục, trong đó có tính phương án bãi bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, thống nhất quản lý bằng mã số định danh. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, quy định về diện tích bình quân để nhập hộ khẩu thành phố sẽ phát sinh nhũng nhiễu,tiêu cực, đặc biệt cơ quan chức năng thành phố không thể kiểm soát chặt như mong muốn đề ra.
“Đất lành chim đậu” hay “nước chảy chỗ trũng” là quy luật. Thay vì, cản trở người nhập cư thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân nhập cư tiếp tục học tập, làm việc, sinh sống và cống hiến cho kinh tế thành phố phát triển. Yêu cầu đặt ra, thành phố nên có những biện pháp hữu hiệu điều tiết nhằm giãn dân về ngoại thành bằng cách tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết