Thông tin Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ xem xét, thí điểm triển khai căn hộ diện tích 25m² ở một số địa phương trong quý 2-2012 đã tạo nên những luồng dư luận trái chiều.
Nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng đây là một lối thoát cho tình trạng cung không gặp cầu của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng căn hộ siêu nhỏ này có thể là một bước lùi về quy hoạch. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với PV Báo SGGP về vấn đề này.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm
* Phóng viên: Theo ông, đề xuất căn hộ 25m² có phải là một giải pháp tốt để “cứu” thị trường BĐS trong bối cảnh hiện nay?
Ông PHẠM SỸ LIÊM: Thời gian gần đây, các nhà kinh doanh BĐS đã đề xuất cho xây dựng những căn hộ nhỏ 20 - 30m², rõ ràng họ đã nhìn thấy nhu cầu xã hội về loại căn hộ này. Thực tế cũng cho thấy, nhu cầu nhà ở các đô thị lớn vẫn rất cao và theo kết quả khảo sát thị trường địa ốc do Savills tiến hành tại Hà Nội mới đây, 70% số người được hỏi quan tâm đến loại căn hộ có mức giá 1 tỷ đồng. Trong số đó, chắc chắn có rất nhiều hộ độc thân hoặc mới lập gia đình, họ không có tiền và không có nhu cầu ở rộng mà chỉ cần những căn hộ nhỏ, giá trị thấp thôi.
Tôi cho rằng Bộ Xây dựng đề xuất như vậy là nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về nhà ở. Nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được chấp thuận và thị trường có những căn hộ như vậy thì cung sẽ gặp cầu và loại căn hộ này sẽ tiêu thụ được. Việc tiêu thụ những căn hộ này có thể làm cho thị trường chuyển động, các doanh nghiệp sẽ thu được tiền. Tuy nhiên, tỷ lệ những căn hộ siêu nhỏ này trong các tòa chung cư chỉ chiếm khoảng 15% nên theo tôi, đây chỉ là một trong những giải pháp kích thích thị trường. Để thị trường BĐS hồi phục, tôi cho rằng còn cần có thêm nhiều yếu tố khác nữa và thị trường cần có những nguồn vốn lớn hơn.
* Được biết trước đó các doanh nghiệp đã đề xuất xây dựng căn hộ 20 - 25m² nhưng Bộ Xây dựng không đồng ý. Vậy đề xuất lần này của Bộ Xây dựng có thực sự hợp lý?
Theo tôi, Nhà nước và chính quyền không nên quy định quá cụ thể, chi tiết diện tích căn hộ phải là bao nhiêu, cái đó để cho thị trường quyết định. Nhà nước chỉ cần quy định điều kiện ăn ở vệ sinh như thế nào, không chỉ diện tích mà còn phải khối tích tối thiểu bình quân trên đầu người là bao nhiêu. Diện tích tối thiểu này phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng địa phương, ở Thượng Hải quy định 6m²/người, Bắc Kinh lại quy định 7m²/người… Những quy định này nhằm giúp chính quyền quản lý mật độ nhân khẩu hợp lý, không ảnh hưởng đến vệ sinh, trật tự công cộng, hạ tầng cơ sở. Đó cũng là giải pháp quản lý để những khu nhà ở quy mô nhỏ, dành cho người thu nhập thấp không trở thành những khu nhà ổ chuột, phá vỡ kiến trúc chung của khu đô thị mới.
* Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam mới chỉ quan tâm việc thiết kế, làm đẹp các căn hộ cao cấp, còn việc thiết kế căn hộ nhỏ cho người thu nhập thấp thì lại bỏ ngỏ. Lẽ ra những căn hộ nhỏ này càng cần được các kiến trúc sư bỏ công sức để có thể được thiết kế đẹp hơn, tiện ích hơn nữa?
Đúng là các kiến trúc sư của chúng ta chưa quen với loại hình căn hộ nhỏ này. Ở trên thế giới người ta đã thiết kế những căn hộ nhỏ như thế (gọi là các studio), theo hướng tiết kiệm tối đa diện tích cho các tiện ích sinh hoạt của các hộ đơn thân, hộ 2 người. Ví dụ chỉ 1m² là đủ dành cho nhà tắm và nhà vệ sinh, các tiện ích khác như tiếp khách, ngủ, làm việc đều trong một phòng nhưng tất cả đều gọn gàng, hợp lý và đẹp mắt. Nếu làm được như vậy thì căn hộ dù nhỏ nhưng chất lượng cuộc sống của người dân vẫn được đảm bảo. Tôi nghĩ, đã đến lúc các chủ doanh nghiệp, các kiến trúc sư Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này.
* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng