Diễn đàn do Hiệp hội Bất động sản - Nhà đất Việt Nam, Công ty cổ phần M&C, Thời báo Kinh tế Việt Nam và Trung tâm Triển lãm - Xúc tiến thương mại Quân đội (Bộ Quốc phòng) phối hợp tổ chức từ 4 - 6/12 tại Hà Nội.
Một số chủ đề được tập trung trao đổi gồm: Sản phẩm bất động sản và hệ thống quản lý Nhà nước về bất động sản, giao dịch bất động sản và hệ thống quản lý bất động sản; quản lý hành nghề kinh doanh bất động sản; nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam; cơ hội đầu tư tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; cơ hội đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...
Nếu đầu tư vào bất động sản tăng 1 USD
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ở các nước phát triển, nếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng lên 1 USD thì sẽ có khả năng thúc đẩy các ngành có liên quan đến 1,5-2 USD. Thị trường bất động sản nước ta đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự có mặt của các Công ty kinh doanh bất động sản nước ngoài, sự nhập cuộc của các ngân hàng bên cạnh các dịch vụ tư vấn, tiếp thị...
Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam được đánh giá sẽ ở mức rất cao trong thời gian tới. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam bình quân khoảng 30% vào năm 2010, khoảng 50% vào năm 2020. Vì thế, nhu cầu về các sản phẩm bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Việt Nam rất lớn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom cũng đã khẳng định thị trường đầy tiềm năng này. Theo đó, đối với sản phẩm bất động sản, loại sản phẩm tạo ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách trong đời sống vật chất, tinh thần của con người, các công ty trong nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nhờ lợi thế am hiểu văn hóa, tập quán và tâm lý người Việt Nam. Lợi thế này có thể khai thác ở nhiều khâu dịch vụ như thiết kế không gian sống, môi giới, tiếp thị bán hàng... Nhiều chủ đầu tư (kể cả nước ngoài) đã nhận ra việc cần thiết phải sử dụng một số dịch vụ của doanh nghiệp trong nước. "Vấn đề là các doanh nghiệp có xây dựng được đội ngũ nhân sự giàu năng lực và tiếp cận được phong cách làm ăn chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế hay không".
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản luôn kèm theo những rủi ro. Giá cả bất động sản còn quá cao so với thu nhập người dân và mức độ phát triển của nền kinh tế. Tình trạng đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá bất động sản, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định, mua bán trao tay và xây dựng tự phát... vẫn tồn tại gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động đầu tư cũng như quản lý, phát triển theo quy hoạch, giảm nguồn thu cho ngân sách, gây tác động xấu tới tâm lý và đời sống sã hội và làm thị trường phát triển thiếu bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản và Nhà đất Việt Nam Trịnh Huy Thục yêu cầu cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản, chẳng hạn với Luật Xây dựng, cần phải tách phần quy hoạch đô thị và điểm dân cư vùng nông thôn để xây dựng thành luật, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị, ban hành và quản lý thực thi các quy phạm, tiêu chuẩn của đường, cầu, hè, cây xanh, biển báo... Các nhà đầu tư cũng cho rằng khó khăn chính của các nhà đầu tư mới, nhất là doanh nghiệp nước ngoài khi quyết định thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là làm sao tìm được vị trí tốt với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thường mất nhiều thời gian, công sức cho việc thực hiện thủ tục đầu tư, xin cấp phép xây dựng dự án, di dân, giải phóng mặt bằng...
Về Luật Kinh doanh bất động sản, vẫn theo ông Thục, cần nghiên cứu để ban hành Luật Bất động sản chứ không dừng lại ở Luật Kinh doanh bất động sản. Ngoài ra Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Bảo hiểm... cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những vấn đề mà khi ban hành chưa xác định rõ được những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản để điều tiết cho phù hợp.
Theo Bộ Tài Nguyên Môi Trường