Mặc dù thành phố đã quyết liệt chỉ đạo nhưng nhiều quận, huyện vẫn chậm trong công tác đấu giá, giao đất dịch vụ. Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tiến độ thực hiện từ đầu năm tới nay trên địa bàn đạt quá thấp. Đất dịch vụ là đất nợ của dân, không thể nợ mãi được. Ông Phó Chủ tịch nhấn mạnh, việc đấu giá đất chỉ đạt 34% kế hoạch năm, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan, trong khi có những địa phương không giao đất cho một trường hợp nào là khó chấp nhận.
Từ ngày 1-1 đến hết tháng 7-2013, Sở TN-MT đã trình UBND TP ban hành 5 quyết định giao đất cho các địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá và 14 dự án đất nhỏ lẻ xen kẽ. Như vậy, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất còn chậm, chưa tạo nguồn vốn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở các quận, huyện. Theo lý giải của Sở này, nguyên nhân khách quan là do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, giá giao dịch sụt giảm. Hơn thế, việc xây dựng và phê duyệt giá sàn nhiều nơi chưa phù hợp với giá thực tế thị trường. Một vấn đề đặt ra là xác định giá khởi điểm, do không có nhiều giao dịch thành công nên việc thẩm định giá tại khu có đất đấu giá gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo quá dài.
Tại cuộc hội thảo về giá đất vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên tắc định giá đất chưa định lượng được thế nào là sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Khung giá đất luôn không “đuổi kịp” biến động của thị trường. Bảng giá đất ở nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chỉ bằng 30-60%. Nguyên tắc định giá đất chưa làm rõ thế nào là “trong điều kiện bình thường”, chưa quy định cụ thể theo mục đích sử dụng và thời gian sử dụng đất. Mặt khác khung giá đất chỉ quy định theo 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi, cho nên biên độ giữa giá đất tối đa và tối thiểu có khoảng cách quá lớn, từ 1,5-81 triệu đồng/m2, đối với đất ở tại đô thị đặc biệt. Bởi thế, khung giá đất không thể xử lý được chênh lệch tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố, các vùng miền. Các chuyên gia chỉ ra thực tế, do bảng giá đất năm sau thường cao hơn năm trước, tạo tâm lý chờ đợi đối với người có đất bị thu hồi, gây trở ngại lớn trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, nhất là các dự án lớn, thu hồi đất.
Để đẩy nhanh tiến độ ban hành Luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội quyết tâm đi đến cùng trong các buổi thảo luận tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới, theo một ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nội dung về giá đất trong dự thảo Luật lần này vẫn là một điểm nghẽn, mà một bài toán khó chưa có hướng giải đột phá căn bản.