Một trong những điểm mới nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vào ngày hôm nay (17/9/2012) là yêu cầu các dự án giao thông mới, khi xây dựng phải thu hồi đất hai bên đường.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) về nội dung này.
* Theo ông, việc giải phóng mặt bằng hai bên đường của dự án giao thông mới liệu có khả thi?
Đây là chủ trương đúng. Vì thế, không cần phải chờ Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, thì Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải đã tiến hành xây dựng dự thảo nghị định quy định cụ thể về việc thu hồi đất hai bên đường của dự án giao thông mới.
* Về vấn đề này, ông đã từng phát biểu, nếu thực hiện giải phóng mặt bằng hai bên đường thì đến nay, Hà Nội chưa chắc đã hoàn thành Dự án Đường Kim Liên kéo dài (nay là phố Xã Đàn)?
Đúng vậy. Vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như dự thảo nghị định (được nói ở trên) chỉ quy định thu hồi đất đối với dự án giao thông xây dựng mới, còn các dự án mở rộng, nâng cấp thì không thu hồi đất hai bên đường.
*
Vì sao lại không thu hồi đất hai bên đường đối với dự án nâng cấp, mở rộng, thưa ông?
Thứ nhất, việc thu hồi đất ở nói riêng, đất phi nông nghiệp nói chung rất phức tạp, mất nhiều thời gian và trong nhiều trường hợp, dễ dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại.
Thứ hai, nếu như Nhà nước đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phi nông nghiệp hai bên đường dự án giao thông, sau đó lại tổ chức đấu giá đất phi nông nghiệp, lấy tiền hoàn trả khoản tiền đã đền bù, hỗ trợ thì về mặt tài chính, Nhà nước không thu được đồng nào. Vì vậy, Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với dự án giao thông hoàn toàn mới và cũng chỉ thu hồi đất nông nghiệp có giá thấp. Sau đó, chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp (đất ở, đất xây dựng chung cư, khu thương mại, dịch vụ...) có giá cao hơn và tổ chức đấu giá đất phi nông nghiệp có giá cao để thu hồi vốn.
* Nếu không thu hồi đất hai bên đường thì không thể tránh được tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng mọc lên tại các đô thị?
Xử lý nhà siêu méo, siêu mỏng không thuộc trách nhiệm của lĩnh vực tài chính, giao thông. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng và của các cấp chính quyền địa phương. Ví dụ, khi xây dựng dự án giao thông chạy qua khu đô thị, hoặc mở rộng, nâng cấp dự án giao thông cũ trong đô thị, ngân sách nhà nước chỉ đền bù, hỗ trợ cho phần diện tích mặt bằng cần giải phóng để làm đường và hành lang hai bên đường. Nếu diện tích còn lại sau khi giải phóng méo mó, không đáp ứng các tiêu chuẩn về xây dựng, về quy hoạch đô thị, thì cơ quan quản lý xây dựng, quy hoạch của địa phương không cấp phép xây dựng.
* Có nghĩa là, thiệt hại được “đẩy” cho người dân bị thu hồi đất không hết, còn thừa diện tích không đáp ứng các tiêu chuẩn để xây dựng?
Vì bộ mặt của đô thị văn minh, hiện đại, vì lợi ích chính đáng của người dân và để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ngân sách địa phương phải bỏ tiền ra để mua lại toàn bộ diện tích không đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng nhà ở. Diện tích đất thu hồi không được tổ chức đấu giá, không được xây dựng nhà ở hay cửa hàng, cửa hiệu.
* Tại đô thị, nơi mà “tấc đất tấc vàng”, nếu chính quyền thu hồi, nhưng không sử dụng thì diện tích đất công này ngay lập tức biến thành chợ cóc, chợ tạm, thậm chí còn là nơi tập trung tệ nạn xã hội, thưa ông?
Việc để đất công bị xâm lấn, sử dụng trái phép, hay biến thành tụ điểm tệ nạn xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở, là trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Để tránh tình trạng này, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và chỉnh trang bộ mặt đô thị, chính quyền địa phương (nơi bỏ tiền ngân sách để mua lại diện tích đất quá nhỏ) có thể sử dụng diện tích này làm bến chờ xe bus, dịch vụ công cộng hay cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thuê để lắp đặt máy ATM, máy bán hàng tự động...
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư