Chấp nhận mua nhà với giá cao vì tin ở chủ đầu tư nước ngoài, có uy tín, nhưng không ít khách hàng đã phải ôm những “trái đắng” mang tên “chủ ngoại xịn” này.
Những dự án bất động sản có “chủ ngoại xịn” từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường phải kế đến dự án Parkcity (Lê Trọng Tấn, Hà Đông), dự án Splendora (Hoài Đức), dự án Gamuda (Yên Sở, Hoàng Mai), Booyoung Vina (Hà Đông)...
Đây đều là những dự án mà được giới đầu tư nhà đất Hà Nội rất quan tâm bởi nó thuộc về các chủ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, uy tín....
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng nhiều nhà đầu tư, những dự án gắn mác ngoại này cũng tái diễn tình trạng giống như những dự án nội.
Một trong những dự án từng gây nên “cơn sốt” cho thị trường nhà đất Hà Nội những năm 2009 – 2010 là Dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh - Splendora nằm trên trục đường Đại Lộ Thăng Long (Hà Nội) do An Khánh JVC (liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C) làm chủ đầu tư cũng đang khiến nhiều khách hàng bức xúc khi phải trả thêm một khoản tiền chênh lên tới 2 tỷ đồng/căn từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán căn hộ.
Vào năm 2009-2010, khi dự án mới mở bán, giá trên 1.000 USD/m2 bao gồm cả tiền xây thô. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, giá bán đất biệt thự, liền kề dự án đã đạt mức chênh lệch lớn 7 -10 tỷ đồng/căn. Một mức giá chênh lớn mà chưa dự án nào đạt được.
Dự án Splendora khiến khách hàng thất vọng vì chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật
Và mặc dù mức giá cao như vậy, nhưng dự án vẫn được “săn lùng” tìm mua. Một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư bị mê hoặc là dự án được gắn mác “chủ ngoại xịn”. Posco E&C, một tập đoàn xây dựng tổng hợp hàng đầu Hàn Quốc được thành lập từ năm 1994.
Có mặt tại thị trường Việt Nam từ tháng 5/1995, Posco E&C đã thi công nhiều loại công trình trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Căn hộ cao cấp Tulip ở TP. HCM; tòa nhà văn phòng Minh Khai tại Hà Nội, bệnh viện đa khoa Huế; khu đô thị mới An Khánh; dự án chung cư cao cấp Water Mark ở Hà Nội; các khu đô thị phức hợp… Ngoài ra, công ty này là nhà đồng đầu tư, nhà thầu chính thi công cao ốc Diamond Plaza ở TP HCM.
Chính bởi uy tín của tập đoàn nước ngoài lớn, nên không ít khách hàng không ngại ngần sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để sở hữu được một căn hộ tại đây. Tuy nhiên, cách tính giá theo hợp đồng mới cùng với những bức xúc về việc tiến độ đóng tiền của dự án đã khiến không ít nhà đầu tư phải thất vọng.
“Đến nay tổng giá trị mà các khách hàng đã đóng cho chủ đầu tư là 70% giá trị Hợp đồng, nhưng hạ tầng kỹ thuật và xã hội giai đoạn 1 của dự án vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện”, một khách hàng bức xúc nói.
Một chủ đầu tư ngoại xịn khác cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải thất vọng khi mới chỉ thi công một khu nhà thấp tầng (3 tầng), nhưng móng đã xảy ra sự cố nứt và lún sụt.
Dự án ParkCity cỏ mọc um tùm. Ảnh: Châu Anh
Dự án Park City (Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội) được coi là dự án có mức giá đắt nhất Hà Nội những năm 2009 với mỗi m2 nhà liền kề lên đến 75 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay gần đến thời hạn bàn giao nhà, dự án vẫn nằm bất động vì móng bị sụt lún, đang đóng thêm cọc tạm để theo dõi.
Chủ đầu tư của Dự án ParkCity Hà Nội là Công ty Cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VDIC), liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (S) Pte.(Malaysia) được thành lập năm 2008. Được biết, chủ đầu tư đã huy động từ khách hàng 477 tỷ đồng sau khi mở bán Tiểu khu 1 (Ngọc Lan).
Điều đáng nói, mặc dù là liên doanh, nhưng đối tác ngoại được quảng cáo rất hoành tráng trong dự án này. Thậm chí, để “lấy lòng” khách hàng, chủ đầu tư ngoại này không tiếc lời ca ngợi về dự án của mình tại Malaysia là Desa ParkCity, có vị trí cách trung tâm Kuala Lumpur 13 km. Về Việt Nam, mô hình ParkCity tiếp tục được quảng cáo bằng những ngôn từ rất mỹ miều như “thành phố trong công viên” hay “một nét độc đáo trong lòng thủ đô”.
Tuy nhiên, truy cập trang website của Perdana Parkcity (S) Pte Ltd, thông tin về công ty này, cũng như năng lực tài chính rất mờ nhạt. Trong phần các dự án quốc tế của Công ty, chỉ nêu duy nhất Dự án ParkCity tại Hà Nội.
Chính vì vậy, câu hỏi về năng lực tài chính của Perdana Parkcity cũng đang là dấu hỏi lớn đối với các khách hàng mua dự án. Liệu Perdana Parkcity có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án tại Hà Nội như các bên đã quảng cáo, hay chỉ tận dụng vốn của ngân hàng và huy động từ các khách hàng Việt Nam?
Nhất là sau sự cố kỹ thuật nứt móng đã khiến nhiều khách hàng phải “vỡ mộng” về năng lực của chủ đầu tư. Anh D., một khách hàng mua dự án đã phải ngán ngẩm thốt lên: ““Việc xây dựng một căn nhà 3 – 4 tầng ở Việt Nam là quá đơn giản. Vậy mà cả 1 dự án lớn vẫn chưa xây xong đã lún, nứt toác rồi”.
Dự án Booyoung Vina (Hà Đông)quây tôn kín, không thấy bóng dáng công nhân. Ảnh: Châu Anh
|
Cũng là một dự án có chủ đầu tư ngoại, dự án Gamuda City (Hoàng Mai) có tổng diện tích 500 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 5 tỷ USD của liên doanh Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia). Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng chủ đầu tư đã thực hiện việc góp vốn của nhiều người từ năm 2011....
Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, vào tháng 12/2007, Công ty Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đã chính thức được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy phép triển khai dự án Công viên Yên Sở - một trong hai dự án được doanh nghiệp này thực hiện theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”, nhằm phục vụ cho việc triển khai xây dựng khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên.
Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam, ông Cheong Ho Kuan, cho hay tổng vốn đầu tư tại Việt Nam được phê duyệt vào khoảng trên 5 tỷ USD. Hiện doanh nghiệp này đã giải ngân khoảng 200 triệu USD, song phần lớn là cho hai công trình công viên và nhà máy xử lý nước thải. Số vốn cho khu đô thị dường như vẫn chưa đáng kể.
Đặc biệt, trước những lo ngại về vấn đề tài chính của dự án, vị Tổng giám đốc này nhấn mạnh: “Những khó khăn tạm thời của thị trường bất động sản không thể quật ngã được Gamuda”.
Dự án cũng được chủ đầu tư ngoại này vẽ ra bằng những gam màu rất lung linh như: “Dự án Gamuda City sẽ biến cửa ngõ phía Nam Hà Nội thành một trong những trung tâm thương mại sôi động nhất với hai khu đô thị đẳng cấp, hiện đại…kích thích khả năng thu hút đầu tư”.
Và theo như lời chủ đầu tư, hiếm có dự án, khu đô thị nào ở Hà Nội lại có vị trí đắc địa, thuận lợi như Gamuda City bởi đây là cửa ngõ phía Nam Thủ đô, tiếp giáp nhiều khu đô thị, nhiều khu vực quan trọng của thành phố…
Thực tế, sau gần một năm nhận giấy phép xây khu đô thị, đến thời điểm này, phần lớn diện tích của hạng mục này vẫn chỉ là những bãi cỏ xanh ngút. Còn nhà đầu tư thì đang phải nháo nhào rao bán lại dự án trên mạng internet với mức giá dưới giá gốc và để cắt lỗ.
Một dự án khác trên địa bàn quận Hà Đông cũng có “Chủ ngoại xịn” nhưng đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm là dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao.
Được bàn giao mặt bằng sạch từ năm 2007, nhưng đến nay, dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao vẫn chỉ là bãi đất, tường rào sắt xây quanh. Dự án có tổng mức đầu tư 171 triệu USD và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010...
Được biết, chủ đầu tư dự án là Công ty Booyoung Vina, một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực bất động sản. Đơn vị này cũng khẳng định đủ tài chính để thực hiện dự án nhưng do điều chỉnh của quy hoạch dẫn tới chậm tiến độ. Qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư, những khu đất hoang chưa biết ngày hoàn thành.
Lý giải nguyên nhân vì sao nhiều dự án bất động sản “Chủ ngoại xịn” vẫn chậm tiến độ, bỏ hoang hóa, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc sàn bất động sản Phát Đạt (Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết, hầu hết các dự án đều được cấp phép xây dựng vào giai đoạn thị trường đang “nóng”.
Vì vậy, các nhà đầu tư ngoại rất nhanh nhậy đã chạy xin dự án để chiếm đất. Tuy nhiên, sau khi triển khai xong được thủ tục xin dự án, thị trường đóng băng, giá đất sụt giảm kéo dài khiến cho họ kiệt sức vì vậy dự án cũng lâm vào cảnh điêu tàn.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News