Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia kinh tế, liên quan đến việc phục hồi thị trường bất động sản (BĐS), chính sách tín dụng BĐS vẫn được quan tâm hàng đầu.
Trong đó, thị trường BĐS quan tâm đến 2 khía cạnh: tín dụng cho các doanh nghiệp BĐS và tín dụng cho người mua nhà. Điểm lại các chính sách tín dụng của năm 2012 để thấy được thị trường đã đón nhận những đòn bẩy cho việc khôi phục thị trường.
Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục hạ lãi suất mức trần 2% một năm, từ 11% về 9% đã khiến cho thị trường BĐS có những nguồn sinh lực mới. Đặc biệt, việc loại các khoản mục cho vay mua nhà ở, xây dựng nhà ở, nhà để cho thuê, vay đầu tư bất động sản ra khỏi danh sách không khuyến kích đã tạo một cú hích lớn trên thị trường tài chính, bất động sản. Đồng thời, góp phần trấn an tâm lý cho nhiều nhà đầu tư.
Trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã đồng loạt dành các gói tín dụng có trị giá 2.000 - 4.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, mua nhà với lãi suất ưu đãi.
Điển hình là Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) dành hai khoản lớn lên đến 10.000 tỉ đồng cho thị trường BĐS. Gói thứ nhất là gói tín dụng "Liên kết 4 nhà" của BIDV khoảng 6.000 tỉ đồng. Theo đó, BIDV sẽ kết hợp với Bộ Xây dựng để triển khai gói tín dụng cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng khó khăn về vốn với lãi suất (LS) thấp hơn LS của các ngân hàng thương mại để hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. BIDV cũng sẽ tài trợ cho 4 bên là nhà thầu, chủ đầu tư, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và người mua nhà làm sao tiết giảm chi phí, xây dựng những căn hộ giá rẻ nhất. Gói tín dụng này khoảng 2.000 tỉ đồng, thí điểm ở một số dự án ở TP.HCM và Hà Nội, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng. Gói thứ hai gồm 4.000 tỷ đồng cho vay bất động sản. Đồng thời, BIDV đã đưa ra mức lãi vay "sốc" là 10%/năm nhưng chỉ áp dụng đối với khách hàng mua căn hộ tại một số dự án cụ thể... Gói thứ 2 là hỗ trợ đầu ra cho thị trường bất động sản, cụ thể là BIDV dành 4.000 tỉ đồng tài trợ cho người mua nhà. Khách hàng có thể vay 85% giá trị căn nhà trong thời hạn 15 năm, có thể vay sửa nhà, mua nhà, cho thuê, thậm chí là đầu tư. LS 16%/6 tháng đầu tiên, chưa bao gồm các ưu đãi của chủ đầu tư cho khách hàng về chiết khấu, tặng nội thất..
Chẳng hạn OCB giảm lãi suất 3 điểm phần trăm, còn 13,5% năm cho khách vay mua nhà, thời gian cho vay cao nhất là 15 năm và mức giải ngân tối đa là 1,5 tỷ đồng cho một khách hàng.
Lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất tại HDBank cũng chỉ 8,6% một năm, áp dụng trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức cấp tín dụng trong chương trình này của HDBank là 1.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tung ra gói 2.000 tỉ đồng cho cá nhân vay kinh doanh với lãi suất 13%/năm, còn vay mua, xây, sửa chữa nhà là 14%/năm.
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 9,99% một năm trong ba tháng đầu tiên.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), ngân hàng này đã dành 1.000 tỉ đồng cho vay BĐS với lãi suất 9,9%/năm trong 3 tháng đầu của khoản vay, thời gian vay 180 tháng, mức vay tối đa là 90% nhu cầu vốn...
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã tung ra thị trường chương trình cho vay mua nhà với lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu tiên. Mức cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc CTCP bất động sản Thế Kỷ (CEN Group) cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất huy động xuống 9%/năm, các doanh nghiệp bất động sản vẫn trong tình trạng nghe ngóng. Mức lãi suất 9% chỉ là lãi suất điều hành, trong khi lãi suất cho vay có giảm xuống 12 - 13%/năm thì vẫn cao, trong khi khả năng tiêu thụ sản phẩm hiện nay là rất khó khăn.
Trong các nỗ lực phục hồi thị trường BĐS, các doanh nghiệp đang mong hạ lãi suất cho vay các dự án BĐS xuống 11 - 12%/năm vào năm tín dụng 2013. Bởi thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia