Điểm mặt 23 dự án chậm tiến độ tại Khu đô thị mới Cầu Giấy

Cập nhật 23/07/2018 08:33

Tại quận Cầu Giấy, Hà Nội có hàng chục héc-ta “đất vàng” được phê duyệt xây dựng trụ sở tổng công ty của 23 doanh nghiệp, nhưng hơn 10 năm nay, đa số các chủ đầu tư này vẫn “án binh bất động” gây lãng phí tài nguyên đất, ngân sách nhà nước và nhếch nhác bộ mặt đô thị. Không những vậy, các lô đất trên bị biến tướng phục vụ cho nhiều hoạt động kinh doanh, gây bức xúc cho người dân sở tại.

Họ là ai?


Ngày 4/8/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo tại Thông báo số 895/TB-UBND, về việc rà soát 23 doanh nghiệp trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Kể từ đó đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã làm việc với hầu hết các đơn vị được quy hoạch giao đất xây dựng trụ sở và ban hành nhiều văn bản đốc thúc các đơn vị này có báo cáo về việc triển khai dự án.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến thời hạn cuối theo yêu cầu, mới có 21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.

19/23 dự án trụ sở các tổng công ty bị chậm tiến độ, đang “biến tướng” sang các hoạt động kinh doanh khác

Theo kết quả rà soát, hiện mới có 1 lô đất đã thực hiện xây dựng trụ sở đúng quy hoạch được duyệt là trụ sở Tổng cục Hải Quan (lô 21 - E3). Có hai đơn vị đang thi công công trình là Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam.
Có 9 đơn vị cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Thành phố và vẫn còn nhu cầu triển khai dự án trong giai đoạn 2018 - 2022, trong đó có các đơn vị: Công ty cổ phần Hanel, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Hải Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)…

Hai đơn vị cam kết thực hiện, nhưng không nêu cụ thể thời gian triển khai dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Có 8 đơn vị đề nghị tiếp tục thực hiện dự án, nhưng thiếu cam kết, hoặc không có báo cáo tài chính, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vitrancimex)…

Có 2 đơn vị không thực hiện việc báo cáo là Công ty TNHH SBIC - CFTD và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Nhất. Trong đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, họ đã gửi đúng địa chỉ đăng ký hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Nhất, nhưng công văn bị trả về và khi tra tìm trên mạng Internet thì đơn vị này không có địa chỉ liên lạc.

Ngoài ra, có một doanh nghiệp lớn vẫn đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án nhưng không có cam kết, không nộp báo cáo tài chính là Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Liên quan đến việc xây dựng phương án thu hồi lại dự án và trả lại tiền đặt cọc đối với các dự án không còn khả năng triển khai, để đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư có nhu cầu và năng lực triển khai, được nêu tại Thông báo số 895/TB-UBND, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc lập phương án thu hồi lại dự án không có gì khó khăn vì các dự án đã chậm tiến độ quá lâu so với quy định. Tuy nhiên, việc đưa ra phương án này chỉ được xem xét khi các doanh nghiệp trong danh sách đã được giao đất trả lời rõ với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc không triển khai tiếp dự án (!?).

Đã chậm còn “biến tướng”

Một trong những điển hình của việc bê trễ triển khai dự án sau khi được giao đất  là VEC - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với chức năng, nhiệm vụ vận hành và xây dựng các tuyến đường cao tốc.

Như Báo Đầu tư Bất động sản đã thông tin, sau khi để dự án xây dựng trụ sở chậm trễ gần chục năm do không đủ năng lực tài chính và một mặt không có nhu cầu thực sự cấp thiết về trụ sở, mới đây VEC đã có thỏa thuận với đơn vị khác xin thay đổi mục tiêu hoạt động của dự án xây dựng trụ sở. Từ thỏa thuận này, VEC đã có nhiều tờ trình, báo cáo lên Bộ Giao thông và Vận tải, các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội và Trung ương xin chuyển đổi dự án, từ xây dựng trụ sở hướng đến kinh doanh bất động sản.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về nguyên nhân chậm trễ và việc trình cấp có thẩm quyền xin chuyển đổi mục đích triển khai dự án có đúng với quy định hiện hành và chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty, ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng VEC cho biết, dự án chậm tiến độ một phần do TP. Hà Nội thay đổi quy hoạch và VEC thiếu vốn đầu tư. Tổng công ty trình cấp có thẩm quyền thay đổi mục tiêu dự án, nếu được chấp thuận thì triển khai, không thì thôi.

Cũng cần nói thêm là, theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, với chức năng và ngành nghề kinh doanh hiện tại, VEC và các doanh nghiệp nhà nước có chức năng, ngành nghề không liên quan thì không được phép kinh doanh bất động sản.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có Văn bản số 649/BKHĐT-KCHTĐT phúc đáp Văn bản số 338/VPCP-CN ngày 10/1/2018 của Văn phòng Chính phủ đề nghị có ý kiến về đề nghị của Bộ Giao thông và Vận tải tại Văn bản số 14284/BGTVT-QLDN ngày 20/12/2017 liên quan đến việc thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư Dự án trụ sở VEC.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư dự án trụ sở làm việc của VEC là không phù hợp. Lý do bởi các doanh nghiệp nhà nước như VEC đang phải tuân thủ quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP về hạn chế đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Một trường hợp chậm tiến độ triển khai dự án khác là Lilama. Đại diện đơn vị này cho biết, sau khi có Quyết định 1987/QĐ-UBND ngày 11/11/2008 của UBND TP. Hà Nội về việc giao cho Lilama làm chủ đầu tư nghiên cứu lập dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc, Tổng công ty  đã tổ chức thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc để trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt.

Sau khi được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận phương án Quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thiết kế sơ bộ tại Văn bản số 997/QHKT-P1 ngày 7/4/2010, Lilama đã tiến hành nhiều công đoạn như chọn tư vấn lập dự án và phê duyệt dự án đầu tư; làm việc với Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thiết kế cơ sở của dự án; làm việc với Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu để xin chấp thuận về độ cao tĩnh không xây dựng công trình; làm việc với Công ty điện lực Cầu Giấy để xin thỏa thuận về cấp điện cho dự án.

Tuy nhiên, lý do cơ bản nhất cho việc chậm tiến độ mà đại diện Lilama chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản là: “Hiện tại, Công ty đang thiếu nguồn vốn đầu tư nên chưa thực hiện dự án. Thời điểm năm 2012, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng có chủ trương và yêu cầu các tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước hạn chế đầu tư và tiến tới tái cấu trúc các khoản đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Do đó, việc thực hiện đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê phải tạm giãn tiến độ”.

Tuy nhiên, theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1036/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Lắp máy Việt Nam và chuyển thành công ty cổ phần, trong đó có phương án tái cấu trúc khoản đầu tư dự án này. Ngày 31/3/2017, Bộ Xây dựng (Cơ quan chủ quản Lilama) cũng có Văn bản số 690/BXD-KHTK chấp thuận chủ trương hợp tác kinh doanh dự án trên.

Tức là sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang loại hình công ty cổ phần, Lilama không bị hạn chế đầu tư sang bất động sản. Do đó, lý do chính khiến dự án vẫn chưa thể triển khai có khả năng cao là do đơn vị này chưa thể bố trí được nguồn vốn.

Trong khi đó, trên vị trí của hầu hết dự án chậm tiến độ đều đã được biến tướng sang các hoạt động kinh doanh khác. Theo khảo sát thực địa của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vào thời điểm ngày 19/7/2018, lô đất E3 vào khoảng 1.184 m2 (gồm 5 chủ đầu tư với 8 công trình vi phạm), kết cấu nhà bằng khung thép, mái tôn, hiện đang kinh doanh vật liệu xây dựng, sửa chữa xe máy, ăn uống.

Tại khu đất E4, diện tích vi phạm khoảng 11.763 m2 (gồm 11 chủ đầu tư với 35 công trình vi phạm) kết cấu nhà khung thép, mái tôn hiện đang kinh doanh salon ô tô, dịch vụ chăm sóc xe hơi, nhà kho, đàn organ…

Còn trên ô đất E5 có diện tích vi phạm lên tới 15.122 m2 (gồm 16 chủ đầu tư với 52 công trình vi phạm) kết cấu nhà khung thép, mái tôn, hiện đang kinh doanh salon ô tô, gara ô tô, nhà kho, kinh doanh ăn uống.

Theo đại diện UBND phường Yên Hòa, đối với các lô đất E3, E4, E5 Khu đô thị mới Cầu Giấy, mặc dù UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo yêu cầu cưỡng chế vi phạm xây dựng từ năm 2017 đối với các đơn vị trên nhưng đến nay chỉ lác đác có vài công trình tự tháo dỡ. Lý do, theo vị đại diện này, là bởi còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc thuê đất, thậm chí đơn vị bị cưỡng chế còn gửi đơn kêu cứu đến UBND thành phố khiến quá trình cưỡng chế, giải tỏa bị chậm trễ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản