Địa ốc vẫn hút vốn ngoại

Cập nhật 25/06/2008 16:00

Lượng vốn ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam vẫn không ngừng tăng, trong đó nhiều dự án tỷ đô đang được khởi động tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt vào các khu vui chơi giải trí, công trình bất động sản đang tăng lên.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lên tới 13,3 tỷ USD, chiếm 43% lượng vốn cấp mới trong thời gian này. Trong đó, lượng vốn cho xây dựng văn phòng - căn hộ vãn chiếm tỷ lệ lớn, với gần 8 tỷ USD. Khách sạn - du lịch và khu đô thị mới lần lượt đứng ở các vị trí tiếp theo với 3,9 tỷ USD và 1,26 tỷ USD.

Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điều này do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao và ổn định trong thời gian qua. "Các nhà đầu tư sau một thời gian điều tra thực tế đã nhìn thấy một hướng đầu tư hứa hẹn nên đã cam kết đưa vốn đầu tư vào lĩnh vực này", ông Thắng nói.

Nhiều dự án có quy mô lớn đã được các địa phương cấp phép trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Đặc biệt các dự án kinh doanh bất động sản (xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng căn hộ bán và cho thuê, xây dựng khách sạn cao cấp...) đã nhanh chóng triển khai các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và thực hiện theo cam kết.

Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM và Đà Nẵng đang là những địa điểm đầu tư bất động sản hấp dẫn nhất tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngoại.

Riêng trong 6 tháng qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã là điểm đến của 2 dự án lớn là khu du lịch Hồ Tràm với 4,2 tỷ USD và khu du lịch của tập đoàn Good Choice USD trị giá 1,3 tỷ USD.

Với khu du lịch Hồ Tràm, hiện chủ đầu tư đã cho khởi công dự án, để xây dựng khu du lịch phức hợp 5 sao, rộng gần 170 ha, gồm các khu khách sạn cao cấp với 2.300 phòng, sòng bạc, khu vui chơi giải trí, điều dưỡng, triển lãm quốc tế và khu hội nghị. Đây cũng được coi là khu giải trí có sòng bạc kiểu Las Vegas đầu tiên ở Việt Nam và dự kiến, giai đoạn đầu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010.

Tại TP HCM, các tập đoàn nước ngoài cũng đã được cấp phép để đầu tư các dự án cao ốc văn phòng và nhà cho thuê quy mô lớn. Theo đó, Tập đoàn TA Associates International của Singapore, sẽ xây cao ốc văn phòng, nhà cho thuê với tổng vốn 1,2 tỷ USD.

Tập đoàn Berjaya Leisure của Malaysia cũng sẽ đầu tư và kinh doanh bất động sản, gồm khách sạn, cao ốc cho thuê và trung tâm thể thao tại TP HCM. Berjaya Leisure đã thành lập công ty trực thuộc là Công ty TNHH Tài chính Việt Nam để đầu tư dự án này. Dự kiến tổng vốn cho dự án đạt 930 triệu USD, trong đó vốn điều lệ của chủ đầu tư là 186 triệu USD.

Theo điều tra hằng năm của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) trên hơn 1.700 doanh nghiệp Nhật đang làm ăn tại châu Á, hiện Việt Nam vẫn được đánh giá cao về triển vọng đầu tư cả trung và dài hạn. Về trung hạn, 92% trong số các doanh nghiệp này dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Trong vòng 5-10 năm tới, các doanh nghiệp của Nhật cho rằng, Việt Nam có thể là địa điểm tốt nhất để rót vốn.

Song cũng theo báo cáo của Jetro, chi phí thuê văn phòng ở Hà Nội đang đứng thứ năm ở khu vực châu Á, chỉ sau Mumbai, New Dehli (Ấn Độ), Hong Kong và Singapore. Chi phí vận chuyển đường biển đến và đi từ Đà Nẵng cũng cao nhất khu vực, gấp rưỡi mức trung bình ở các nước châu Á khác. Tiền thuê nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam tương đương tại Singapore và gấp đôi so với Seoul.

Mặt khác, hiện vốn đầu tư đã dịch chuyển từ 2 thành phố lớn nhất của cả nước là Hà Nội và TP HCM sang các địa bàn lân cận do yêu cầu về quy hoạch ngành và diện tích đất lớn mà 2 thành phố không thể đáp ứng được.

Theo Đô Thị