Địa ốc TP. HCM, sôi động phân khúc cao cấp

Cập nhật 07/04/2015 10:43

Thị trường bất động sản quý I hàng năm thông thường có xu hướng trầm lắng do rơi vào dịp nghỉ Tết kéo dài, song quý I/2015, thị trường căn hộ TP. HCM đã xác lập một kỷ lục mới về thanh khoản trong khá nhiều năm qua với 5.150 căn hộ được chào bán trong tất cả các phân khúc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sự sôi động tiếp tục là diễn biến chủ đạo trên thị trường địa ốc quý I

Đó là nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE qua báo cáo về thị trường bất động sản quý I/2015 được công bố cuối tuần qua.

Theo CBRE, điều này chứng tỏ tâm lý thị trường đã được cải thiện đáng kể, đồng thời sự bất ngờ nhất của thị trường căn hộ quý đầu năm là sự sôi động nhất lại thuộc về phân khúc cao cấp, chủ yếu do các dự án lớn tiếp tục bung hàng như Dự án Vinhomes Central Park của Tập đoàn Vingroup, Masteri Thảo Điền của CTCP Đầu tư Thảo Điền và Scenic Valley của Công ty Phú Mỹ Hưng. Đáng chú ý nhất là sự tham gia  mạnh mẽ vào cuộc chơi bất động sản cao cấp của Tập đoàn Novaland. Sau khi mua được 8 khu đất dự án trong năm 2014, Novaland cũng tham gia cuộc đua với việc chào bán ra thị trường tháp A của Dự án RiverGate, chào bán đợt 2 Dự án The Tresor, Tháp TB1 của Botanica và 3 tòa tháp đầu tiên của The Sun Avenue, cung cấp tổng cộng 756 căn hộ ra thị trường trong 3 tháng đầu năm.

“Sau nhiều năm trầm lắng, chúng ta đã bắt đầu chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các dự án, không những lớn hơn về quy mô, tầm vóc mà còn định vị phân khúc cao hơn và quy hoạch phức tạp hơn. Chẳng hạn như trong phân khúc cao cấp, chúng tôi phát hiện mối tương quan thú vị giữa mức giá chào bán trên thị trường sơ cấp với quy mô chào bán trung bình của các dự án”, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét.

Theo phân tích của CBRE, trong giai đoạn 2007 - 2008, khi giá bán đạt mức kỷ lục, quy mô chào bán trung bình của các dự án dao động trong khoảng 364 - 572 căn hộ cho mỗi đợt chào bán. Con số này có xu hướng giảm cùng với giá, khi giá xuống mức thấp nhất vào năm 2012, quy mô chào bán trung bình chỉ đạt 165 căn hộ cho mỗi đợt chào bán. Tuy nhiên, ngay sau khi giá bắt đầu tăng trở lại vào năm 2013, quy mô chào bán trung bình cũng rục rịch tăng theo. Kể từ cuối năm 2014, một lần nữa quy mô chào bán trung bình đạt ngưỡng gần 500 căn hộ cho mỗi đợt chào bán.

Còn nói đến việc định vị hướng đến phân khúc cao hơn, lấy điển hình về trường hợp của Nam Long. Cuối tuần trước, tập đoàn này đã ký kết hợp tác với 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản để cùng phát triển dự án "Nhà ở vừa túi tiền chất lượng cao" - Dự án Flora Anh Đào tọa lạc tại quận 9. Ông Marc Townsend nhấn mạnh: “Sau 10 năm phát triển, thương hiệu E-home nổi tiếng, chủ đầu tư Nam Long nhanh nhạy nắm bắt sự cải thiện của thị trường và đi đến quyết định nâng cấp sản phẩm của họ. Dòng sản phẩm này vẫn có mức giá bán phải chăng phù hợp với số đông người mua nhà, nhưng đạt chất lượng cao hơn về mức độ hoàn thiện, thiết kế và không gian sống”.

Hoạt động bán hàng vẫn tích cực khi các sàn giao dịch bất động sản làm việc cho đến cận Tết Âm lịch và khách hàng cũng chốt cọc ngay sau Tết. Hơn một nửa số căn hộ chào bán kể trên đã bán hết. Đáng khích lệ hơn, quý vừa qua khảo sát ghi nhận hơn 6.500 căn hộ đã được bán, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc bình dân có tỷ lệ tiêu thụ cao nhất trong 3 tháng đầu năm, tăng 17% so với quý trước.

Tuy nhiên, tốc độ bán hàng trong phân khúc cao cấp có phần chậm hơn, lượng tiêu thụ giảm khoảng 30 - 40% so với quý trước đó. Xoay quanh một số lo ngại cho rằng đây là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thừa cung, ông Marc Townsend cho rằng: "Còn quá sớm để kết luận về nguồn cung dồi dào hơn mức bình thường trong phân khúc cao cấp. Điều khiến tôi quan tâm hơn là giá bán và liệu mức giá này có phù hợp với khả năng chi trả của đa số người mua hay không”.

CBRE ghi nhận giá chào bán đã tăng 3 - 5% so với quý trước đó tại một số dự án cao cấp có vị trí tốt với hệ thống cơ sở hạ tầng cải thiện và có khả năng cho thuê cao. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra trên diện rộng, ngay cả các chủ đầu tư uy tín cũng thận trọng trong việc tăng giá, họ chỉ dám tăng chậm từng đợt. Giá chào bán trung bình của phân khúc cao cấp tăng nhẹ lên 1.717 USD/m2, tăng 1,6% so với quý trước và 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Với mức thay đổi khiêm tốn này thì chưa cần quá lo lắng. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là tại các dự án có doanh số bán chậm, hoa hồng cho môi giới lại bị điều chỉnh giảm, từ đó làm giảm sự nhiệt tình và mức độ cam kết của họ.

“Khi thị trường gặp khó khăn, môi giới địa ốc sẵn sàng gắn bó với cùng một chủ đầu tư, nhưng khi tình hình sáng sủa trở lại, họ sẽ trở nên kén chọn và chuyển sang những dự án có mức hoa hồng, ưu đãi hấp dẫn nhất từ các chủ đầu tư khác. Vì vậy, trong năm 2015, khi thị trường nhà ở dần hồi phục thì những môi giới giỏi sẽ được các đơn vị săn đầu người tiếp cận ráo riết nhất”, ông Marc Townsend tổng kết.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản