Địa ốc ở đại lộ chết Thủ đô: Ôm 'xác thối' đến bao giờ?

Cập nhật 16/08/2013 15:42

Những khu đất tiền tỷ, biệt thự triệu USD là cục nợ đeo đẳng nhà đầu tư như một cái xác thối, 'bỏ thì thương, vương thì tội'.

Với nguồn cung dự kiến lớn và nhu cầu có khả năng chi trả không cao, bất động sản đại lộ Thăng Long trong thời gian tới được dự báo sẽ khó sốt nóng trở lại. Những khu đất tiền tỷ, biệt thự triệu USD là cục nợ đeo đẳng nhà đầu tư như một cái xác thối, 'bỏ thì thương, vương thì tội'.

Tháo chạy không nổi

Theo thống kê của Hà Nội, tình hình tồn kho bất động sản trên địa bàn còn rất lớn. Số lượng nhà thấp tầng như biệt thự, liền kề tồn kho (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) là 3.483 căn, tương ứng với 878.000 m2 sàn. Trong đó có 763 căn có diện tích từ 60 - 90 m2; và 2.720 căn hộ có diện tích trên 90 m2. Chỉ tính riêng Đại lộ Thăng Long, hàng loạt dự án hai bên đường đều trong tình trạng hoang vu.



Đất nền dự án, biệt thự, liền kê đang là phân khúc bất động sản có thanh khoản thấp nhất trên thị trường tại Hà Nội. Nhiều nhà đầu tư, đầu cơ tiếp tục tìm cách cắt lỗ khiến giá chào bán trên thị trường thứ cấp hiện nay đang quay về mặt bằng giá của năm 2009.

Ông Nguyễn Hoàng Nam giám đốc Sàn Info - Ocean Group nhận định, nguyên nhân chính của việc các bất động sản dọc đại lộ Thăng Long đang trong tình trạng “thê thảm” như hiện nay là do chủ đầu tư của các dự án này đã đẩy giá bất động sản tại đây lên quá cao trong thời gian trước. Vào những năm 2009, 2010, hàng loạt các dự án bất động sản “ăn theo” sự phát triển của Đại Lộ Thăng Long đã được mọc lên cùng với sự trợ giúp của giới đầu cơ tạo nên cơn sốt “phía Tây Hà Nội”.

"Nguyên nhân chính của việc các bất động sản dọc đại lộ Thăng Long đang trong tình trạng “thê thảm” như hiện nay là do chủ đầu tư của các dự án này đã đẩy giá bất động sản tại đây lên quá cao trong thời gian trước. "

Ông Nguyễn Hoàng Nam giám đốc Sàn Info - Ocean Group

Trong cơn bão giá của toàn bộ thị trường Hà Nội lúc đó, người ta chen nhau mua bán trao tay những lô biệt thự, liền kề, chung cư hoặc thậm chí mua buôn các lô, cả sàn hay ít nhất cũng là cặp với giá chênh mỗi ngày một cao. Đến khi cơn bão bất động sản tan thì đây cũng là khu vực chịu nhiều nặng nề nhất: rất nhiều dự án “ảo” có dấu hiệu lừa đảo đã bị xử lý; bất động sản bỏ hoang hoặc xây dựng dở đang nằm la liệt.

Bên cạnh đó, một số rất ít những dự án đã đi vào hoạt động nhưng thưa thớt bởi lẽ giao thông kết nối chưa thuận tiện như họ nghĩ ban đầu; muốn đi vào trung tâm người dân phải đi đường gom chứ không được đi lên đại lộ, thêm vào đó hạ tầng kỹ thuật tại đây cũng chưa đáp ứng được chứ chưa nói đến các tiện ích cho cư dân.

Ông Nam cho rằng, có thể khẳng định là 100% người dân đầu tư vào khu vực này đều đang rất thất vọng, giá tại khu vực này ngày trước “sốt cao” hơn các khu vực khác bao nhiêu thì nay lại thê thảm bấy nhiêu. Ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều dự án tại đây không đủ khả năng triển khai tiếp do chủ đầu tư đã cạn vốn và không biết trông đợt vào đâu để vay được vốn khiến không chỉ giá bị rớt mà tính thanh khoản tại đây cũng bị giảm “thê thảm”.

Theo báo cáo của một đơn vị tư vấn bất động sản, các dự án hoàn thiện ngày càng nhiều nhưng không có khách hỏi mua vì cơ sở hạ tầng đi kèm chưa được hoàn thiện. Đây cũng là vấn đề chung đối với các dự án mới hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng không được hoàn thiện đồng bộ là nguyên nhân khiến khách hàng kém quan tâm đến các dự án này.

“Trong tương lai gần, khi lượng hàng tồn kho vẫn còn vượt xa nhu cầu và điều kiện thị trường không thể có sự thay đổi đặc biệt giá sẽ tiếp tục giảm hơn nữa đặc biệt là ở những nơi có cơ sở hạ tầng và các tiện ích không được hoàn thiện đồng bộ”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Khó có sốt trở lại

Theo khảo sát tại nhiều sàn bất động sản, tình hình thị trường hiện đang rất khó khăn và được dự báo còn khó khăn nữa. Mặc dù, giá bán liền kề và biệt thự trên thị trường đã giảm xuống khá sâu so với năm ngoái nhưng tình hình giao dịch vẫn ảm đạm


Ông Nam đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư và các chủ đầu tư vào thời điểm này nên ngồi lại với nhau để cùng nhau xem xét và tháo gỡ khó khăn của dự án, cả hai bên đều nên ý thức rằng họ đang ngồi chung với nhau trên 1 con thuyền sắp đắm và nếu “không ai chịu ai” thì có lẽ hậu quả đắm thuyền là không thể tránh khỏi.

“Về bản chất đây vẫn là khu vực nhiều tiền năng nhất Hà Nội sau khi mở rộng về vị trí phát triển các dự án bất động sản. Vấn đề ở chỗ cần phát triển có trọng điểm vào các dự án để từng dự án có thể thu hút được cư dân bằng chất lượng cuộc sống và tiện ích một cách lâu dài chứ không phải chỉ thu hút các nhà đầu cơ ngắn hạn”, ông Nam phân tích.

Xét vể triển vọng, đại diện một đơn vị tư vấn cho rằng các tiện nghi, bao gồm điện, nước, trường học, chợ, dịch vụ giải trí và tiện ích tương tự cần phải được bổ sung đầy đủ và kịp thời tại các khu đô thị, nếu không các dự án sẽ không bao giờ được lấp đầy. Trong những quý tới, giá chào bán dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm.

Nguồn cung hoàn thiện vẫn tiếp tục tăng thì áp lực tiếp tục giảm giá trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi. Tình hình thị trường thời gian tới chưa có nhiều khả năng diễn biến khác, với tỷ lệ bán thẩp và nguồn cầu hạn chế do quy hoạch không đồng bộ và thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC