Trong khi địa ốc Hà Nội “nóng”, “lạnh” cục bộ, theo từng địa bàn thì tình hình nhà đất tại TP HCM vẫn chưa thoát khỏi cảnh trầm lắng chung kéo dài từ đầu năm 2010.
Tiến sĩ Alan Phan, một doanh nhân Việt kiều Mỹ, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, từng phải thốt lên khi trở về Việt Nam mới đây: “Bất động sản đúng là một thị trường rất đặc thù và phức tạp. Không như vàng, USD trên thị trường tự do hầu như chỉ có một giá ở mọi nơi, giá nhà đất không những biến động khác nhau giữa các vùng miền, mà có khi còn đi ngược hướng nhau giữa các thành phố lớn, hay ngay trong địa bàn một thành phố”.
Dù tình hình các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, USD trầm lắng, bất động sản năm nay nhiều bất lợi như ngân hàng siết chặt vốn vào nhà đất, Chính phủ chủ trương thắt chặt đầu tư công, giao dịch địa ốc bằng vàng hết thời…, song tại Hà Nội, giá nhà đất nhiều nơi vẫn đang sốt như thời “bong bóng” 2006 - 2007.
Ở khu vực Cầu Giấy và Mỹ Đình, nhiều nơi giá đất được đẩy lên tới 250 triệu, thậm chí 400 triệu đồng một m2. Sở dĩ giá đất ở đây đang tăng chóng mặt, theo anh Hiệp, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Bất động sản Trọng Da, là bởi hạ tầng khu vực này đồng bộ, thông thoáng, với hàng loạt tuyến đường đã và đang đưa vào hoạt động như Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Tôn Thất Thuyết, đường Yên Hòa… Quan trọng hơn, đây sẽ là nơi “hội tụ” của trụ sở nhiều bộ ngành, cơ quan Chính phủ khi chủ trương xây dựng trung tâm hành chính ở Ba Vì bị hủy bỏ.
Chính sự lôm côm và sốt cục bộ của thị trường nhà đất Hà Nội đã trở thành cơ hội cho nhiều nhà đầu tư lướt sóng.
|
Nhiều trục đường khác, giá đất cũng đã chạm 90 – 100 triệu đồng một m2, như trục đường Lê Văn Lương và Lê Trọng Tấn kéo dài, nếu như trong năm 2010, giá chỉ 50 – 60 triệu đồng một m2, thì nay đã lên tới 70, 80, 100, thậm chí 110 triệu đồng, tùy vị trí. Đất ở quanh trục đường Láng – Hòa Lạc kéo dài từ khu Mỹ Đình cho đến huyện Hoài Đức thì tăng giá chóng mặt, ngoài lý do giao thông thuận tiện, gần trung tâm thì giới đầu tư còn kháo nhau tin đồn trong tương lai một số trường đại học lớn sẽ quy tụ về đây.
Còn đất nền ở các khu đô thị như Văn Khê, Văn Quán… thì giá “nóng bỏng tay”, hiện dao động từ 100 đến 130 triệu đồng một m2.
Theo anh Hiệp, đất ở ngoại thành Hà Nội một số khu vực cũng bắt đầu có dấu hiệu “sốt” như Sóc Sơn, hay xa hơn nữa là Thuận Thành (Bắc Ninh, cách Hà Nội 35 - 40 km). Nếu như trước Tết, đất ở làng Minh Phú – Minh Trí (Sóc Sơn, cách sân bay Nội Bài 6 km) có giá cao chỉ 1 – 2 triệu đồng mỗi m2, thì giờ đã lên 5 – 7 triệu đồng. Còn đất Thuận Thành thì đã lên trung bình 8 – 10 triệu đồng một m2.
Một khu vực khác tại Hà Nội, giá đất cũng đang sốt là Văn Điển, khi có thông tin sắp di dời nghĩa trang. Trước kia, đất Văn Điển bị coi rẻ vì mang tiếng gần nghĩa trang, nhưng từ cuối năm 2010, nghĩa trang Văn Điển đóng cửa, thì nhiều nhà đầu tư bắt đầu nhắm tới khu này. Hiện, đất nền quanh khu vực đã tăng giá gấp ba lần so với trước và khu Văn Điển bỗng chốc trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản đầu năm 2011.
Trong khi đó, thị trường địa ốc tại TP HCM, nhìn chung, theo Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) Bùi Tất Thắng, vẫn chưa bứt phá được không khí trầm lắng kéo dài trong cả năm 2010. Thậm chí, nhiều nơi và nhiều phân khúc, nhà đất giảm giá song giao dịch vẫn thưa thớt. Theo thống kê mới đây nhất của hệ thống sàn giao dịch bất động sản Vinaland và Sacomreal, tháng 2 hầu như không có giao dịch. Sự trầm lắng đến mức có đến 99% bất động sản trên toàn địa bàn TP HCM không có dấu hiệu tăng hay giảm giá.
Ông Thắng giải thích, một trong những nguyên nhân khiến địa ốc TP HCM phải giảm giá để kéo khách là do nguồn cung dồn dập. Những sản phẩm bất động sản ra trước giảm giá do không bán được khiến bất động sản ra sau phải tiếp tục giảm giá hơn nữa để cạnh tranh và cứ thế việc giảm giá kích cầu trở thành một hiệu ứng domino không mong đợi của thị trường địa ốc tại đây.
Tuy nhiên, vì nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận ở thời điểm “bong bóng” của thị trường địa ốc (năm 2007), nghĩa là nhiều dự án có xuất phát điểm từ thời điểm đó, nên mức giá giảm hiện giờ vẫn chưa phải là thấp với những người có nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản TP HCM ít cơ nơi sốt cục bộ như Hà Nội vì đất Hà Nội đang sốt theo quy hoạch, còn TP HCM thì không. Trong năm qua, các dự án quy hoạch về giao thông, đường bộ chủ yếu tập trung ở Hà Nội, do chính sách mở rộng thủ đô và đại lễ 1,000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Thời điểm này, đa số các kênh đầu tư đều trầm lắng, thế nhưng bất động sản ở Hà Nội vẫn sôi động ở nhiều khu vực, đã khiến không ít nhà đầu tư dốc vốn vào, thậm chí cả những người không quen đầu tư bất động sản.
“Nếu phải nói một từ nhận định về thị trường địa ốc Hà Nội thời điểm này thì tôi chỉ có thể dùng từ “lôm côm”. Chính sự lôm côm và sốt cục bộ này đã trở thành cơ hội cho nhiều nhà đầu tư lướt sóng. Có những người trong tay chỉ có chừng 300 – 400 triệu đồng, vẫn mua được một miếng đất ở Sóc Sơn và 2 tháng sau bán lại, lời gấp đôi.
Thời điểm này tôi thấy nhiều người rất ngại gửi tiền ngân hàng vì sợ mất giá, nên hầu như ai cũng sốt sắng phải tìm một cái gì đó để đầu tư cho tiền sinh lời. Một số bạn bè tôi thỉnh thoảng cũng gọi điện than không muốn giữ tiền mặt, nhờ tìm xem chỗ nào đất “mềm” mà có khả năng tăng trong một vài năm để mua vào”, anh Vũ Thắng, Giám đốc Công ty Bất động sản Toàn Thắng, cho biết.
Tuy nhiên, nơi “màu mỡ” nhất lại cũng là nơi rủi ro nhất. Bài học về cơn sốt giá đất Ba Vì hồi năm ngoái vẫn còn đó. Trong cơn sốt này, không chỉ đại gia mà cả nhà đầu tư, người dân có chút tiền cũng đua nhau ôm đất giá cao, giờ đang “dở khóc dở cười” vì chưa bán được. Một số nơi giá đất sốt vẫn là do những tin đồn chưa có cơ sở về quy hoạch, một khi tin đồn thất thiệt thì “bong bóng” bất động sản sẽ xẹp ngay.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt