Địa ốc Hà Nội: “Sóng” Splendora mắc cạn

Cập nhật 03/10/2012 14:10

Thay vì lãi hàng chục tỷ đồng tiền chênh, hàng loạt nhà đầu tư đã trót ôm biệt thự tại dự án Splendora đang khóc dở mếu dở vì không đẩy được hàng, trong khi chủ đầu tư lại tăng giá bán.

Hàng chục nhà đầu tư đã tụ tập trước cổng Công ty Liên doanh phát triển đô thị An Khánh sáng 2/10 để phản đối, yêu cầu chủ đầu tư lý giải những chuyện mà theo họ là “bất hợp lý”.
 

Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng chục nhà đầu tư đã tụ tập trước cổng Công ty Liên doanh phát triển đô thị An Khánh sáng 2/10 để phản đối, yêu cầu chủ đầu tư lý giải những chuyện mà theo họ là “bất hợp lý”.

Chủ đầu tư đã thất hứa?

Theo tường trình của nhiều nhà đầu tư, hơn 2 năm trước, họ tham gia đầu tư vào dự án Bắc An Khánh (Splendora) bằng một hợp đồng gọi là “góp vốn”. Tất nhiên, khi đặt bút ký vào hợp đồng này, dự án chưa hề được triển khai, song đổi lại các khách hàng, nhà đầu tư được chủ dự án “hứa” sẽ được mua nhà, biệt thự với giá ưu đãi sau khi dự án khởi công và ký hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, thay vì được quyền mua biệt thự, căn hộ với mức giá chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng góp vốn, đến khi ký hợp đồng mua bán, các khách hàng mới ngã ngửa ra vì mức giá biệt thự được chủ đầu tư công bố tăng từ 5 – 7 triệu đồng/m2.

Theo bà Nguyễn Thị Thái – đại diện cho nhóm khách hàng mua biệt thự tại Splendora, hiện bà đang đóng tiền mua một căn biệt thự gần 400 m2 nên số tiền phải trả thêm cho chủ đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Theo bà, đây là một số tiền không nhỏ và là điều quá vô lý. Còn với những căn biệt thự có diện tích nhỏ hơn từ 200 – 300 m2 thì số tiền nhà đầu tư, khách hàng phải trả thêm cũng hơn 1,5 tỷ đồng/căn. Với việc tăng giá bán đó, tính ra tổng số tiền chủ đầu tư đã thu về khoảng 800 tỷ đồng từ tiền chênh lệch giữa hai hợp đồng.

Không những thế, theo đại diện nhóm khách hàng, hiện hầu hết đã đóng được 70% giá trị biệt thự, song hạ tầng kỹ thuật, xã hội của dự án vẫn đang ngổn ngang, phần lớn các công trình như đường sá, trường học, bệnh viện trong khu đô thị đều không có như cam kết của chủ đầu tư.

Điều đáng nói là nhóm khách hàng này cho biết đã gửi hàng chục thư chuyển phát nhanh đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu cho gặp mặt nhưng đều không được phúc đáp. Quá bức xúc, các nhà đầu tư mới kéo đến tụ tập trước cổng dự án, do đó đã khiến cho lãnh đạo chủ đầu tư rơi vào thế “bị động”, như lời ông Hoàng Thế Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Phát triển đô thị mới An Khánh.

Còn theo ông Phạm Xuân Cần, một đại diện khác cho nhóm khách hàng, hiện ông cũng đang đóng tiền mua một căn biệt thự tại Splendora có giá khoảng 16 tỷ đồng, tuy nhiên, theo phần giá đất ghi trong hợp đồng chỉ 850 triệu đồng, do đó phần lớn giá trị là tiền xây dựng căn biệt thự. Các căn biệt thự khác tại dự án cũng đều được chủ đầu tư ghi rõ trong hợp đồng mua bán giá trị tiền đất chỉ từ 500 - 800 triệu đồng/căn, còn lại là tiền xây dựng.

Do vậy, hầu hết khách hàng mua biệt thự tại Splendora được xem là những nhà đầu tư “gà mờ” khi tự tay ký vào những bản hợp đồng giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng không biết căn nhà của mình được làm bằng chất liệu gì, gạch, gỗ, vật liệu chất lượng ra sao, của hãng nào, bởi bản hợp đồng mua bán biệt thự, chủ đầu tư chỉ ghi chung chung rằng “nhà xây bằng gạch, cửa bằng gỗ…”.

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Thái cho rằng, vì vào thời điểm đó, thị trường đang sốt nóng, ai cũng muốn mua nhanh, bán nhanh, trong khi bản hợp đồng lại dày hàng chục trang nên nhiều khách hàng cũng ký bừa (?!).

Một số nhà đầu tư khác lại phản ánh, tuy chủ đầu tư đã hủy bỏ việc bán nhà bằng USD, song lại tính giá biệt thự theo trượt giá tiêu dùng (CPI), do đó, nếu quy đổi ra USD thì giá mỗi USD cũng tương đương với 23.000 đồng, tức là khách hàng bị thiệt hơn ngay cả khi phải mua nhà bằng ngoại tệ.

“Hình ảnh thực tế và giới thiệu về dự án quá xa nhau. Nếu nhận nhà vào năm tới thì cũng không thể ở được vì hạ tầng, trường học, trung tâm thương mại..đều không có như những gì chủ đầu tư đã giới thiệu với khách hàng trước khi chào bán dự án”, một nhà đầu tư bức xúc nói.

Đầu cơ phải chấp nhận rủi ro

Dự án Splendora, theo như quảng bá của chủ đầu tư thì đây là “nơi ước đến, chốn mong về”. Thực tế, vào 2 – 3 năm trước, dự án này đã từng được xếp vào diện số ít các dự án nổi đình nổi đám tại khu vực phía Tây Hà Nội. Và ai cũng biết, nếu có vốn đầu tư, cộng một chút “quan hệ”, khách hàng, nhà đầu tư nào có được một suất biệt thự tại dự án này, ngay lập tức đã nắm trong tay hàng tỷ đồng tiền chênh lệch nếu bán lại suất biệt thự đó cho khách hàng tiếp theo.

Còn nhớ, vào năm 2010, mức chênh biệt thự tại Splendora vào khoảng 8 – 10 tỷ đồng/căn, bất kể diện tích lớn hay bé. Những lô có vị trị đẹp thậm chí còn có mức chênh xấp xỉ vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, cùng với sự sụt giảm của thị trường, mức chênh này cũng ngày một giảm dần nhưng cũng không dưới vài tỷ.

Nhưng, điều đáng nói ở đây, việc phản đối tăng giá bán của nhóm khách hàng, các nhà đầu cơ nói trên đối với chủ đầu tư chỉ xảy ra khi thị trường èo uột, hàng ôm vào không đẩy đi được. Còn trước đó, khi mà tiền chênh biệt thự lên tới hàng chục tỷ đồng nhà đầu tư vẫn chưa buồn bán, thì việc đội giá 1 – 2 tỷ đồng/căn cũng được các nhà đầu tư tặc lưỡi để giữ suất, vì thực tế nó cũng không thấm vào đâu so với tiền lãi mà họ dự tính.

Thế cho nên, khi nghe các nhà đầu tư “kêu” với chủ đầu tư rằng “mình tích góp cả đời chỉ mua được một căn nhà để ở tại Splendora”, không ít người đã bật cười, vì thực tế ai cũng biết tỷ lệ “dọn đến ở” tại Splendora trong số nhóm các nhà đầu tư kia là… vô cùng hiếm.

Ngay cả trước lúc vào gặp chủ dự án, các nhà đầu tư đã tự cảm thấy “ngại ngùng” khi nói với nhau rằng “mình đi phản đối chuyện tiền bạc mà chạy toàn xe hơi xịn lên đây, lẽ ra phải thuê một xe khách”.

Hay một vài nhà đầu tư lúc gặp nhau trước cổng dự án đã vô tình chào xã giao nhau bằng một câu rất nghiệp dư rằng “mệt quá chị nhỉ, hết kiện cáo ở Thanh Hà, Vân Canh rồi giờ lại đến Splendora”. Thậm chí, một nhà đầu tư đại diện cho nhóm khách hàng khiếu kiện, khi đối chất với chủ đầu tư cũng đã buột miệng nói rằng “chúng tôi mua ở Văn Phú, Vincom… họ đối đãi rất tử tế. Thậm chí chúng tôi còn yêu cầu chủ đầu tư đào cả móng lên để xem chất lượng thế nào”.

Trao đổi với VnEconomy về hiện tượng đầu cơ trong bất động sản, TS Phạm Sỹ Liên, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, ông không phản đối chuyện đầu cơ trong bất động sản. Bởi lẽ, trước khi đầu cơ, nhà đầu cơ cũng là những người mua thông thường. Thị trường muốn phát triển bắt buộc phải có lực lượng này bởi các chủ đầu tư rất cần kiểu người mua này.

Theo ông, thị trường bất động sản cũng giống như nhiều thị trường khác, nó đều có quy luật cạnh tranh, thuận mua vừa bán, người mua nhà hoàn toàn có quyền chủ động khi lựa chọn mua của ai. Tuy nhiên, đổi lại, việc đầu cơ thì phải chấp nhận rủi ro, nó đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do thị trường sụt giảm, do khách quan và thậm chí là do chính từ chủ đầu tư.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đầu cơ là yếu tố không thể thiếu trong kinh doanh, lại càng không thể hủy diệt được những nhân tố này. Tuy nhiên, quy luật thị trường cũng luôn công bằng với mọi đối tượng. Lĩnh vực nào lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn và ngược lại. Với bất động sản, một mảng vốn từng mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho các nhà đầu tư, đầu cơ thì nay thị trường sụt giảm, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận những rủi ro đến từ nhiều phía.

Trở lại vụ việc tại Splendora, trong khi các nhà đầu tư cho rằng, những động thái của chủ đầu tư là “bất hợp lý”, thì đại diện chủ đầu tư, Phó tổng giám đốc Hoàng Thế Trung lại cho rằng, đó là “hợp lý”, bởi trong quá trình triển khai dự án, mọi chi phí cho công trình, từ nhân công, nguyên vật liệu, giá thành xây dựng…đều tăng, do đó việc tăng giá là tất yếu.

Theo vị này, giá một căn biệt thự khi đến tay khách hàng không đơn thuần chỉ là giá đất và giá xây dựng mà nó còn bao gồm rất nhiều chi phí khác, nó phải đủ bù đắp cho chủ đầu tư trong các hạng mục khác về hạ tầng, công trình công cộng…thậm chí giá đó còn phải bao gồm cả chi phí phòng ngừa rủi ro!

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy