Vật liệu xây dựng tăng giá liên tục, khát xi măng, nhà đầu tư lướt sóng đòi lại tiền, lãi suất cao, khó vay... đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc điêu đứng trước những đợt thoái trào của thị trường.
Đồng tâm trạng với nhiều doanh nghiệp bất động sản, vừa lo sốt vó vì nhà đất không bán được hàng và sụt giảm, vừa chống chọi với tình hình vật liệu xây dựng leo thang, Phó tổng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh, ông Mai Hữu Tài than: "Xi măng xuất xưởng có giá cố định, sản lượng bình thường song nhà phân phối lại tăng giá, khan hàng làm tôi đau đầu gần 2 tháng qua".
Tình trạng công ty của ông Tài thường xuyên gặp phải là: Mặc dù xi măng đã tăng giá 30-50% nhưng các đơn vị phân phối loại vật liệu này chỉ chịu bán hàng với mức giá chênh lệch 8.000-10.000 đồng mỗi bao, vì phải gom nhiều nơi mới có hàng. Trong lúc dự án đang cần triển khai, công ty đành chấp nhận mức giá mới gần trăm nghìn đồng mỗi bao xi măng để lo cho xong chuyện.
Theo ước tính của ông Tài, suất đầu tư căn hộ trung bình hiện nay không còn giá 5-6 triệu đồng mỗi m2 sàn mà phải tăng lên 8 triệu đồng. Riêng căn hộ trung bình khá trở lên, chi phí xây dựng sẽ tăng từ 9-10 triệu đồng mỗi m2 lên thành 11-12 triệu đồng.
Ông lo rằng nếu tình hình giá vật liệu xây dựng bất ổn cứ kéo dài, các dự án nhà ở sẽ đồng loạt bị chậm tiến độ hoặc dừng lại. "Nước lên thì thuyền lên, nhưng khổ nỗi xi măng tăng chóng mặt mà giá nhà đã cam kết trước với khách, đành cắn răng chịu thiệt", ông nói.
Bên cạnh cơn sốt giá và khan hiếm xi măng là những đề nghị bức bách đòi rút vốn ngay lập tức của khách hàng. Nhà đầu tư lướt sóng đã ôm nhiều căn hộ cao cấp sẵn sàng chịu "phạt", thậm chí bỏ đi một khoản tiền cọc, miễn là được hoàn vốn.
Nhiều khách hàng ôm căn hộ BMC Hưng Long, quận 7, đã đề nghị Công ty vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC cho trả nhà, lấy lại tiền vì không kham nổi những đợt huy động vốn tiếp theo. Một nhà đầu tư tiết lộ, thời kỳ thị trường nóng sốt, quyền mua căn hộ BMC có lúc lên đến 500 triệu đồng, song hiện nay chỉ còn 100 triệu đồng mà rao bán mãi không ai đếm xỉa.
"Lãi suất ngân hàng tôi phải chịu hiện nay là 1,9%, nếu cứ ôm căn hộ hoài thì sẽ trắng tay trong nay mai nên mới xin trả nhà", một nhà đầu tư khác bộc bạch.
Trong khi đó, đại diện Công ty BMC từ chối đáp ứng. Chủ đầu tư này cho rằng, mọi giao dịch căn cứ theo hợp đồng và nếu có thông cảm, doanh nghiệp cũng chỉ chấp thuận cho khách hàng gia hạn thêm một thời gian hoặc chậm góp vốn đợt tiếp theo.
Đối với những dự án đang gặp phải trục trặc về pháp lý, khách hàng đề nghị trả nhà và hoàn lại tiền càng gay gắt hơn. Dự án Adonis của Công ty bất động sản Vạn Thịnh Hưng, lộ tẩy bán khống tầng 16-18 nhưng các khách hàng từ tầng 1-15 cũng kiên quyết đòi lại tiền. Bị nhà đầu tư dừng huy động vốn theo dây chuyền cũng là nỗi lo của nhiều dự án đang ở giai đoạn tiền khởi công.
Công trình cao ốc văn phòng trên đường
Hàm Nghi, quận 1, TP HCM.