Địa ốc bán tháo, giá vẫn còn cao

Cập nhật 03/11/2011 08:10

Các chủ đầu tư BĐS đã có siêu lợi nhuận hàng chục năm nay thì phải chịu trách nhiệm với tình hình hiện nay, nếu có hạ giá, bán tháo là bình thường. Vì trước đây, thị trường không vì người tiêu dùng, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường chia sẻ.

Thị trường bất động sản Việt Nam liên tiếp xuất hiện tin nóng về những vụ vỡ nợ, phá sản, bán tháo... GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường chia sẻ với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thị trường BĐS chưa sập

* Thưa ông, hiện tượng bán tháo bất động sản đã bắt đầu xảy ra ở phía Nam, như trường hợp giảm tới 35% của Petro Vietnam Landmark, ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?


GS Đặng Hùng Võ (ảnh: P.Huyền)
GS Đặng Hùng Võ: Việc vay nợ và phải giảm giá bất động sản để trả nợ ở Tp Hồ Chí Minh đương nhiên sẽ xảy ra. Có một số người cho rằng, đây chỉ là một chiêu thu hút vốn, tăng thêm vốn cho dự án của công ty này, điều này thì ta cần phải xem thêm. Nhưng nếu không phải là giải pháp vốn thì việc một số chủ đầu tư phải giảm giá địa ốc để trả nợ ngân hàng là chuyện bình thường vì cuối năm là thời kỳ đáo hạn các khoản vay.

Tại Hà Nội, hầu hết các vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng mới đây cũng liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, sự đổ vỡ ở Hà Nội lại là câu chuyện khác. Người ta gom tiền để làm việc mà bản chất là đầu cơ, chứ không phải là đầu tư bất động sản. Ít nhất, đó là dạng lướt sóng thị trường, nếu có người mua thì bán ngay, rồi chia lời cho nhau.

Từ đầu năm đến nay, chúng ta đang phải kiềm chế lạm phát, thị trường tiền tệ, tài chính không ổn định. Không ai dại gì đi đầu cơ bất động sản vào lúc thị trường trong trạng thái này. Vì thế, nếu ai đầu cơ và chịu thua lỗ, thất thiệt như vậy thì phải chịu, đó là chuyện thị trường rồi.

* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, giá bất động sản đang thấp, thậm chí đã chạm đáy. Một số dự án bất động sản quanh trục Lê Văn Lương ở Hà Nội mới chỉ giảm từ 2-3 triệu đồng/m2, trong Tp Hồ Chí Minh, dự án chung cư của Sài Gòn Mê Kông giảm 3,5 triệu đồng/m2. Ông đánh giá thế nào về các mức giá hiện nay ?

Tôi biết một vài dự án có mức giảm giá từ khoảng 26 triệu/m2 xuống khoảng 16 triệu/m2. Nhưng thực sự, mức giảm đó chưa phải là quá nhiều, là thấp đâu. Đối với mặt bằng giá trị xây dựng hiện nay, tôi cho rằng mức giá 16 triệu/m2 đó hãy còn cao. Cho nên, với việc chỉ giảm có 2-3 triệu đồng/m2 thì giá thị trường bất động sản hiện nay vẫn là cao.

Đừng thấy rằng động thái này động thái kia, xuống giá mà ta đã sốt ruột sợ thị trường bất động sản sẽ vỡ. Vì thị trường bất động sản hiện nay không vì người tiêu dùng! Những đổ vỡ rồi bán tháo địa ốc, đừng vội nghĩ đó là bất thường, nghĩ là thị trường sắp sập đến nơi rồi.

Điều mà chúng ta vẫn muốn là thị trường bất động sản cần xuống giá hơn nữa, thì khi đó, biểu hiện thị trường này còn tốt hơn.

* Trước các hiện tượng vỡ nợ, bán tháo hiện nay, ông có dự báo gì về tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới?

Trong những tháng cuối năm này, chắc chắc đến hạn trả nợ một số dự án bất động sản. Họ có thể tìm nhiều giải pháp như liên kết các nhà đầu tư khác để có vốn trả nợ, chuyển nhượng dự án, mua bán, sát nhập doanh nghiệp, hoặc xuống giá để có nhiều người tiêu dùng mua.

Điều đó sẽ dẫn tới khả năng hạ giá mạnh, nhà đầu tư đẩy ra thị trường được nhiều hàng hơn, hi vọng có nhiều người mua hơn. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường. Nhưng tôi cho đó là ảnh hưởng tốt. Vì lúc này, tất cả động thái giá cả bất động sản đi xuống đều là tốt cả.

Diễn biến như vậy sẽ khắc phục tình trạng giá bất động sản hiện nay đang chênh lệch quá lớn so với thu nhập của người dân Việt Nam. Chúng ta giảm khoảng cách này có nghĩa làm cho thị trường vì người tiêu dùng hơn, là biểu hiện tốt.

Tuy nhiên nếu trường hợp nhà đầu tư vẫn cầm cự được, giá cả không xuống nhiều thì cũng nên nhìn đó là sự việc bình thường.

Giá bất động sản hạ xuống nhưng vẫn chưa sát giá trị thật của mặt bằng xây dựng (ảnh: Phạm Huyền)

Không phải lo cho ngân hàng

* Thưa ông, đổ vỡ bất động sản thì người có nhu cầu thật sẽ được lợi, vì mua được giá thấp. Tuy nhiên, mặt trái ở những cơn bán tháo vỡ nợ trên thị trường bất động sản có thể sẽ tác động xấu, dây chuyền tới các ngân hàng, nơi đã rót vốn và nay phải siết nợ?

Không phải lo cho ngân hàng. Báo cáo ngành ngân hàng cho thấy, tổng dư nợ tín dụng cho bất động sản không vượt quá 10%, nghĩa là ngân hàng đã khống chế được. Tôi khẳng định, tín dụng cho bất động sản dưới 10% thì sẽ không có tác động xấu gì tới ngân hàng. Tất nhiên, một số ngân hàng nào đó có cho vay đen có thể chịu ảnh hưởng.

* Vậy, còn ngành đầu vào cho các dự án công trình như ngành thép, hiện đang bắt đầu phá sản do "đầu ra", các dự án đình trệ. Đây có phải là do bất động sản đi xuống gây ra?

Trong cơ chế thị trường, có người này được, người kia mất là bình thường. Một số công ty thép bị mất mát lợi ích, bị phá sản thì cần phân tích cụ thể vì sao. Ngành thép Việt Nam đã đi có đúng đường, là từ cơ bản, từ khai quặng, luyện thép đi lên hay chỉ là đầu tư phần ngọn, nhập phế liệu rồi sản xuất... Sự đổ vỡ, phá sản ở ngành thép cần nhìn rõ xem do nguyên nhân chủ quan nội tại ở chính ngành này hay vì yếu tố bên ngoài.

Tôi khẳng định, ngành thép hiện nay bị thất bát thì không thể đổ lỗi cho bất động sản đóng băng, dự án xây dựng đình trệ được.

* Như mọi doanh nghiệp khác, khi doanh nghiệp BĐS phải bán tháo, vỡ nợ, phá sản thì liệu có phải là không tốt?

Không cần phải lo cho nhà đầu tư bất động sản. Họ được siêu lợi nhuận hàng chục năm nay rồi. Họ phải chịu trách nhiệm với tình hình thị trường hiện nay.

Tôi luôn nhìn thấy sự lạc quan trên thị trường này. Thị trường lên xuống mà không tác động mạnh vào khu vực tài chính thì đều là tốt cả và chúng ta hãy coi các diễn biến hiện nay là việc bình thường.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF