Theo HoREA, Địa ốc Alibaba đã gây tác động xấu, làm nhiễu loạn thị trường, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp.
Trong báo cáo về hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM gửi Thường trực Thành ủy TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục chỉ ra những bất thường đối với các công ty này.
Vốn điều lệ địa ốc Alibaba 1.600 tỷ đồng là rất khác thường
HoREA cho biết Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Ngày 3/12/2016, công ty này đăng ký thay đổi lần thứ 1 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Tiếp đến 26/9/2017, khi đăng ký thay đổi lần thứ 3, vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng, góp vốn bằng tiền mặt.
3 cổ đông, gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc, là đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện góp 80% vốn điều lệ; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
“Với số vốn quá lớn như vậy, không biết các cổ đông đã góp vốn điều lệ đủ hay chưa, đồng thời cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế năm 2016 của công ty này như thế nào”, HoREA nghi ngờ.
“Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản. Đối chiếu với các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam qua nhiều năm hoạt động đến nay, chỉ có vài tập đoàn có vốn lớn tính đến năm 2016”, văn bản của HoREA thông tin.
Đáng lưu ý hơn, trang web của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư, nhưng không đúng sự thật. Như dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 28,2 ha, với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải, trụ sở đặt tại địa chỉ số 16 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu.
Tương tự, khu đất "dự án khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi" cho đến nay vẫn đang là dự án được Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư. Đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... thì ông Trương Văn Phương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành - Đồng Nai đã xác định không có dự án nào do Công ty Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư ở địa phương này.
HoREA cũng cho biết đã có khách hàng gửi đơn tố giác Alibaba đến đơn vị này. Hiệp hội yêu cầu doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho khách hàng nhưng đến nay, công ty này chưa phúc đáp kết quả giải quyết.
Bất thường ở Công ty Alibaba Tây Bắc TP.HCM
Ngoài những bất thường ở Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, HoREA còn thông tin Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM cũng có những phi lý không chấp nhận được.
Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM tuy chỉ mới đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10, nhưng vốn điều lệ đã lên đến 12.000 tỷ đồng, do ông Nguyễn Văn Huấn là đại diện pháp luật.
Việc đăng ký góp vốn nói trên là bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản.
3 cổ đông gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ. Ông Lê Xuân Sơn ngụ tại 115/13 Khu phố 2, phường Phú Mỹ, quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ. Bà Đặng Thị Bích Ngọc ngụ 22/4A đường số 21, phường 8, quận Gò Vấp góp 600 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng Alibaba Tây Bắc TP.HCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng là lớn đến mức phi lý, không bình thường.
Đáng chú ý, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM đến 7.800 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng; bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án đất nền 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi - Khu vực VIII-3, và đang công bố tung ra 1.000 nền nhà, huy động vốn trái phép bằng "phiếu đặt chỗ" nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền. Nếu công ty này huy động đủ phí đặt cọc 1.000 nền nhà này thì số tiền lên đến 50 tỷ đồng. Điều này có thể gây thiệt hại lớn cho những người đặt chỗ mua nền và các nhà đầu tư thứ cấp.
HoREA kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện Củ Chi theo chức năng và thẩm quyền, phối hợp kiểm tra các vụ việc trên địa bàn thành phố, có liên quan đến các công ty nêu trên để xử lý hoạt động huy động vốn trái pháp luật; chấn chỉnh hoạt động và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Hiệp hội này còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại các quy phạm pháp luật của Luật Doanh nghiệp; Bộ luật Dân sự tương thích với Luật Kinh doanh bất động sản, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh những sơ hở, tạo cơ hội một số doanh nghiệp lợi dụng để huy động vốn trái phép khi bán bất động sản hình thành trong tương lai, như đã xảy ra trong thời gian qua.
Dự án khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII - 3 thuộc Khu đô thị Tây Bắc huyện Củ Chi, được Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP. HCM tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn đang được Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư.
Đây là một trong 133 dự án TP.HCM mời gọi đầu tư và được công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức ngày 11/10/2017. Khu đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà chào bán.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing