Hà Nội đã tìm ra "cây gậy" xử lý những chủ đầu tư cố tình chây ì việc làm sổ đỏ cho người mua nhà; nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch treo tại Đà Nẵng; làn sóng M&A trong lĩnh vực bất động sản ngày càng mạnh mẽ; dự án bị thổi giá tại Hà Nội trở về với giá trị thực là những câu chuyện nóng trên thị trường địa ốc trong tuần này.
1. Câu chuyện nóng đầu tiên trong tuần này là Hà Nội đã tìm ra được “cây gậy” để xử lý những chủ đầu tư cố tình chậm tiến hành làm sổ đỏ cho người mua nhà. (Hà Nội: Công khai danh tính và phạt nặng chủ đầu tư nợ sổ đỏ, Vietnam+, 5/8/2014)
Câu chuyện nợ sổ đỏ người mua nhà đã trở thành câu chuyện quá bình thường với các chủ đầu tư đã nóng lên thời gian qua, với con số hơn 76.000 căn hộ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa làm các thủ tục cấp sổ đỏ.
Cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên, danh sách 74 chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công khai; trong đó có hàng loạt “ông lớn” như: Vinaconex, Viglacera, HUD, Cienco 5, Hà Đô, COMA…
Sau khi “danh sách đen” các chủ đầu tư này được công khai trên các phương tiện truyền thông, theo ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), đã có một số doanh nghiệp liên hệ với Văn phòng để tiến hành thủ tục.
Cũng theo vị lãnh đạo này, Văn phòng sẽ tiếp tục cập nhật, công khai thêm danh tính các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau 20 ngày các chủ đầu tư dự án không thực hiện thì Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh sách, báo cáo UBND Thành phố tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư dự án. Riêng các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm và lập hồ sơ quản lý để làm căn cứ không xem xét giao đất, cho thuê đất các dự án khác theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Sở dĩ các chủ đầu tư lâu nay chây ì với việc làm sổ đỏ là do không có chế tài xử phạt.
2. Câu chuyện thứ hai là nhiều dự án chậm hoặc chưa triển khai gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn người dân Đà Nẵng (Hệ lụy từ những dự án chậm tiến độ tại Đà Nẵng (VTV Online, 9/8/2014).
Chuyện là Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành đứng đầu của cả nước về số lượng các dự án quy hoạch và chỉnh trang đô thị và được đánh giá là thành công, nhưng bên cạnh diện mạo khang trang của một thành phố đáng sống thì hiện nay, nhiều dự án chậm hoặc chưa triển khai gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn người dân.
Thôn Quan Nam, xã Hòa Liên nằm gọn trong lòng Dự án khu đô thị sinh thái Quan Nam – Thủy Tú do Công ty Tài chính và phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chủ đầu tư không triển khai nên đã chuyển giao dự án này cho Tập đoàn Trung Nam. 10 năm qua, người dân nơi đây đi không được, ở cũng không xong. 10 mùa mưa bão đi qua trên những ngôi nhà chờ giải tỏa, người dân cắn răng chịu đựng và họ không đủ kiên nhẫn đợi chờ thêm nữa...
Tại TP. Đà Nẵng, nhiều dự án đã công bố quy hoạch nhiều năm nhưng chậm hoặc không triển khai nhưng không xóa quy hoạch.
Chuyện chậm tiến độ, quy hoạch treo dự án chẳng phải chuyện của riêng Đà Nẵng. Cuối cùng, người dân vẫn là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất.
3. Câu chuyện thứ ba là sự sôi động của thị trường M&A bất động sản (Sôi động làn sóng M&A bất động sản, tinnhanhchungkhoan, 8/8)
Tại Diễn đàn mua bán - sáp nhập 2014 (M&A 2014) do Báo Đầu tư tổ chức ngày 7/8, các chuyên gia cho rằng, trong làn sóng M&A, trong đó có lĩnh vực bất động sản đã và đang diễn ra khá sôi động và kỳ vọng có nhiều dấu hiệu tăng trưởng cả về số lượng cũng như giá trị giao dịch.
Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE, “M&A trong lĩnh vực bất động sản, nếu không phải bây giờ, thì bao giờ?” và khẳng định đến thời điểm hiện nay, sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản vẫn hiện hữu. Xu hướng này không chỉ xuất hiện với các nhà đầu tư lâu năm mà còn hiện hữu với các nhà đầu tư mới và giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau.
Không ít dự án đắp chiếu đã được “sống lại” nhờ ông chủ mới với dòng vốn mới hà hơi, tiếp sức. Qua thời tay không bắt giặc, chủ đầu tư không có thực lực thì phải chấp nhận quy luật cuộc chơi thị trường, “cá lớn nuốt cá bé”!
4. Câu chuyện nóng thứ tư trong tuần là “trở về giá trị thực” của các dự án chung cư tại Hà Nội đã được đẩy giá trước đó (Ế ẩm dự án chung cư có tiền chênh, tinnhanhchungkhoan, 8/8)
Từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường căn hộ tại Hà Nội có dấu hiệu trầm lắng, tiền chênh với những dự án hút khách, trong đó có Dự án Green Stars (trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) rao bán với giá chỉ khoảng 22 triệu đồng/m2, thấp hơn giá của đơn vị phân phối chính thức 1,5 triệu đồng/m2, nhưng vẫn khó bán.
Hàng loạt dự án căn hộ có tiền chênh trên thị trường thời gian gần đây đã giảm giá mạnh, như Dự án HH4 Linh Đàm của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, tại đợt mở bán cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư mua vào với mức chênh lên đến 130 - 140 triệu đồng/căn hộ có vị trí góc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã phải rao bán với tiền chênh chỉ khoảng 100 triệu đồng/căn. Một số dự án khác do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư cũng đang bị nhà đầu cơ rao bán với giá thấp hơn từ 20 - 40 triệu đồng/căn hộ so với thời điểm trước.
Ông Vũ Cương Quyết, đại diện Đất Xanh Miền Bắc khẳng định, lỗi không chỉ có nhà đầu cơ, mà chủ đầu tư cũng có phần. Bởi khi thị trường mới ấm lên trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách đẩy giá bán, thậm chí kênh giá để ăn chênh lệch so với giá chính thức, nên nay thị trường trầm lắng, việc giảm tiền chênh là đương nhiên.
Chuyện cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Thị trường vừa ấm thanh khoản lên một chút, các chủ đầu tư và nhà phân phối đã đẩy giá lên ầm ầm. Tháng Ngâu chẳng phải lý do làm thanh khoản và giá bán thấp đi, mà chỉ là thời điểm nhìn rõ giá trị thực của những dự án đó. Chừng nào còn đầu cơ đẩy giá thì thị trường vẫn còn những cú hẫng và người “ôm hàng’ sau cùng phải lãnh đủ.
5. Bỏ qua những câu chuyện trên, thì tuần này, thị trường địa ốc đón nhận những thông tin đáng chú ý khác.
Ngày 8/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 thuộc địa bàn quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Quy hoạch này có trị trí nằm ở phía Bắc khu vực nội đô lịch sử, thuộc địa giới các phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An… (Hà Nội chính thức phê duyệt khu đô thị Hồ Tây (Diễn đàn doanh nghiệp, 9/8/2014).
Khu đô thị Hồ Tây sẽ có tổng diện tích đất quy hoạch gần 993 héc-ta, quy mô dân số đến năm 2050 tối đa khoảng 58.000 người. Đây sẽ là trung tâm văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí của thành phố. Phần đất ở sẽ có diện tích khoảng 228 héc-ta, chiếm 23% tổng diện tích đất với chỉ tiêu 40,2m2/ người. Phần đất hỗn hợp sẽ có khoảng 12 héc-ta để phục vụ cho các cơ quan, trụ sở, văn phòng, thương mại, dịch vụ… Đất công trình công cộng cấp đô thị chiếm 6,3% tổng diện tích đất; đất công viên, cây xanh đô thị sẽ chiếm trên 60% tổng diện tích đất.
Cũng liên quan đến công tác quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa công bố, bàn giao hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2.000. Khu đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khu vực Đồng Mai thuộc địa giới hành chính các phường Đồng Mai, Phú Lãm, Yên Nghĩa - quận Hà Đông, Hà Nội với quy mô sử dụng đất khoảng 226 héc-ta và quy mô dân số khoảng 15.500 người.
Theo quy hoạch được điều chỉnh, khu vực công trình hỗn hợp được bố trí dọc theo tuyến đường phía Tây giao với khu vực đất dịch vụ của phường Đồng Mai kết nối giữa khu vực làng xóm hiện hữu với khu vực xây dựng mới. Nhóm nhà ở xã hội, các công trình có chiều cao không quá 8 tầng, đảm bảo thông gió tự nhiên, bố trí các khoảng sân trong và lõi cây xanh rộng, cải tạo không gian và môi trường. Nhóm nhà ở thấp tầng, sinh thái được bố trí tiếp cận với không gian cây xanh, mặt nước của đô thị, tầng cao không quá 3 tầng, có sân vườn, tạo nhóm ở có không gian riêng biệt, có sự liên thông với khu vực cây xanh, hồ nước khu vực.
Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 8, có 447 căn hộ thuộc phân khúc nhà cho người có thu nhập thấp được đưa ra thị trường; trong đó số căn hộ cho thuê là 197 căn với diện tích mỗi căn 33 m2; số căn hộ bán là 250 căn, gồm 220 căn diện tích 34 m2/căn và 30 căn diện tích 57 m2/căn.
Đây là đợt nhận hồ sơ bán và cho thuê đầu tiên của dự án 1.000 căn hộ nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai do Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDCO) phát triển. Giá căn hộ cho thuê dự kiến từ 1,1-1,6 triệu đồng/căn/tháng. Giá căn hộ bán từ 145- 230 triệu đồng/căn.
Theo IDCO, đối với căn hộ bán, các ngân hàng sẽ cho người mua vay tới 80% giá trị căn nhà và trả dần trong vòng 10 năm. Đối tượng được mua và thuê nhà ở tại đây là cán bộ, công chức, viên chức; người có công với cách mạng; sỹ quan lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, người thu nhập thấp... Dự án cũng cho phép các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được mua hoặc thuê nhà để bố trí chỗ ở cho người lao động. (Đồng Nai sắp có thêm 447 căn hộ cho người thu nhập thấp, Vietnam+, 6/8/2014)
Bất chấp quan niệm tháng “cô hồn” ế ẩm, trong tuần này, nhiều dự án nhà ở thương mại trên cả nước cũng công bố mở bán.
Tại TP. HCM, Novaland vừa mở bán tháp A khu căn hộ Tropic Garden ở Thảo Điền (quận 2, TP. HCM) với mức giá từ 1,8 tỷ đồng. Căn hộ Tropic có diện tích từ 60 m2 đến trên 100m2, có mức giá từ 1,8 tỷ đồng. Novaland đang áp dụng lịch thanh toán dài hạn 38 tháng, kèm theo hỗ trợ lãi suất ngân hàng 10% một năm nhằm giúp khách hàng dễ dàng thu xếp tài chính.
Đất Xanh Miền Trung lên kế hoạch giới thiệu nền nhà phố và nền nhà biệt thự Dự án Green City (Đà Nẵng) vào trung tuần tháng 8 tại Hà Nội. Dự án có quy mô 15,5 héc-ta, nằm bên bờ biển Đà Nẵng, có mức giá 279 triệu đồng cho nền nhà phố thương mại 95m2 và 680 triệu đồng cho nền biệt thự 220m2.
Green City toạ lạc trên tuyến đường du lịch biển Hoàng Sa - Trường Sa, liền kề với nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng khác, được quy hoạch trở thành khu đô thị cao cấp về dịch vụ du lịch, thương mại bên bờ biển TP. Đà Nẵng. Phía Bắc dự án giáp Bồng Lai Resort và khu đô thị FPT, phía Đông là sông Cỏ Cò và sân golf Montgomeri Links, phía Tây giáp trục đường 33m nối thẳng Đại học Quốc tế Đà Nẵng, phía Nam gần cụm nghỉ dưỡng của Tập đoàn VNPT, ngay gần bãi biển Non Nước.
Green City tích hợp đầy đủ ngay bên trong dự án các tiện ích sống cho cư dân khu đô thị với hệ thống cảnh quan công viên trung tâm và công viên bờ sông, hệ thống trung tâm thương mại, khu cà phê, nhà hàng, nhà trẻ chất lượng cao, y tế, thể thao... Đất Xanh Miền Trung còn đưa ra gói dịch vụ sau bán hoàn chỉnh gồm tặng phiếu mua hàng trị giá 10-20 triệu đồng, tặng vé máy bay khứ hồi, miễn phí lưu trú một đêm resort 5 sao, thẻ golf 6 tháng cho khách hàng.
Cũng tại thị trường bất động sản Đà Nẵng, Tập đoàn VinaCapital (Việt Nam) công bố sẽ giới thiệu và chào bán căn hộ Azura vào ngày 16/8. Azura nằm ngay bên cạnh cầu sông Hàn, đây cũng là tòa căn hộ cao nhất Đà Nẵng, được phát triển và xây dựng bởi Tập đoàn VinaCapital (Việt Nam) và Nordica Properties (NRE) Đan Mạch. Khu căn hộ cao cấp gồm 34 tầng với 225 căn hộ và penthouse theo kiến trúc hiện đại đã hoàn thành, các căn hộ đều có tầm nhìn toàn cảnh, bao quát từ sông Hàn đến núi Sơn Trà, hướng ra biển, được thiết kế hiện đại và tiện dụng với 7 loại căn hộ trên một tầng, từ 1 đến 4 phòng ngủ với diện tích đa dạng từ 67,3 - 441,5m2.
Trong dịp này, chủ đầu tư sẽ tặng gói nội thất cao cấp trị giá hàng trăm triệu đồng cho những khách hàng đặt mua để hoàn thiện căn hộ theo phong cách của riêng mình. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ chủ nhà tìm khách thuê với lợi nhuận từ 8%/năm. Hiện tại tòa nhà Azura đã có hơn 200 cư dân là chủ sở hữu người Việt Nam cùng lượng khách thuê là chuyên gia nước ngoài, đang sống và làm việc tại Đà Nẵng, Hội An, tạo nên một cộng đồng dân trí cao.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán