Đi tìm chìa khóa thành công

Cập nhật 23/09/2010 10:50

Trước những bước phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ngày 21.09, CBRE đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng du lịch tại Việt Nam: Tồn tại với cơn sóng thần". Hội thảo đã đưa ra những nhận định đáng chú ý và gợi mở những hướng phát triển mới cho các nhà đầu tư vào phân khúc này.

Các xu hướng mới

Bắt đầu với sự xâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài vào khoảng 5 năm trước, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam dần nổi lên như một phân khúc hứa hẹn và phát triển nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn.

Theo nghiên cứu của CBRE mới đây, chỉ tính trong Quý 3/2010, hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được công bố với khoảng 11.000 biệt thự và 10.000 căn hộ bổ sung vào nguồn cung trên thị trường. Làm một phép so sánh với năm trước, có thể thấy nguồn cung biệt thự đã tăng 5 lần và nguồn cung căn hộ đã tăng 3 lần. Áp lực cạnh tranh vì thế cũng tăng lên.

Để tồn tại trong cạnh tranh, các nhà đầu tư trong phân khúc này cần tìm cho mình một chiến lược riêng. Phát biểu tại Hội thảo ngày 21.09, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết: ”Thành công bắt nguồn từ sự chuẩn bị chu đáo, kế hoạch tốt, mức giá hợp lý, sản phẩm chất lượng tốt và chiến lược marketing được đầu tư”. Theo ông Marc Townsend, vấn đề là, các nhà đầu tư cần phải quan tâm đến việc vạch ra một chiến lược, trong đó tính đến những xu thế, những chuyển hướng trên phân khúc này.

So với 5 năm trước, một khác biệt dễ nhận thấy là đối tượng khách hàng đã thay đổi. Nếu như trước đây, người mua biệt thự nghỉ dưỡng chủ yếu là người nước ngoài thì hiện nay người Việt Nam chiếm đa số, trong đó khoảng 70% khách hàng đến từ Hà Nội và TP.HCM.

Sự mở rộng các đối tượng khách hàng và chuyển hướng sang nhóm khách hàng nội địa đòi hỏi các chủ đầu tư trong giai đoạn hiện nay phải thực hiện những bước điều chỉnh quan trọng hướng đến đa dạng hóa.

Các biểu hiện trong thời gian gần đây cho thấy một số chủ đầu tư đã đi đúng hướng. Nếu như trước đây, hầu hết các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là các dự án trung và cao cấp thì nay đã rải sang các phân khúc khác, đa dạng hơn. Thị trường đã bắt đầu xuất hiện những biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng với mức giá bình dân (80.000 - 200.000 USD) và diện tích đa dạng. CBRE nhận định, xu hướng sắp tới, các dự án nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ không còn là lựa chọn duy nhất. Thay vào đó có thể sẽ là xu hướng tìm đến các khu vực núi cao, biệt lập và độc đáo hơn, cùng với sự phát triển tiếp tục của các địa điểm mới ở miền Trung và miền Bắc.

Hướng đến một thị trường mở


Ảnh Internet

Mặc dù đã có một số biểu hiện tích cực, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển. Nguồn cung đã dồi dào và đa dạng hơn, nhưng thị trường chưa hoàn toàn mở để đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài.

Nghiên cứu mới đây của CBRE cho thấy tỉ lệ các nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều vào phân khúc này chỉ chiếm khoảng 15%. Làm một phép so sánh với Thái Lan, có thể thấy rằng trong khi nguồn cung cao hơn, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng tại Thái Lan vẫn duy trì được mức giá cao gấp đôi mức giá tại Việt Nam, và nhờ đó, đem lại nguồn thu khổng lồ.

Sự khác biệt này có thể được lý giải một phần là do cơ cấu khách hàng và nhà đầu tư. Tại Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đến hơn 80%. So với chỉ 15% của Việt Nam, có thể thấy đây là sự khác biệt rất lớn. Với điều kiện thuận lợi về khí hậu và phong cảnh, bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam rất được yêu thích. Bỏ lỡ nguồn đầu tư nước ngoài sẽ là điều đáng tiếc.

Lý giải cho tỉ lệ đầu tư nước ngoài thấp, ông Marc Townsend cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong lĩnh vực pháp lý nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng những điều cần làm vẫn còn rất nhiều. Ngoài ra, lãi suất quá cao đòi hỏi nhà đầu tư phải có tích lũy tài chính khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Với phân tích như trên, CBRE khẳng định: “Việt Nam nên tham khảo một số yếu tố từ các quốc gia láng giềng để thành công hơn trên phân khúc này. Bên cạnh đó, do những điều kiện khác biệt, Việt Nam vẫn phải duy trì những nét đặc thù bản sắc riêng để tồn tại bền vững trước những “cơn sóng thần” này của thị trường”.
Ngọc Trâm - DiaOcOnline.vn