Không mua nổi nhà trong khu dân cư, người lao động nghèo ít tiền đi mua đất nông nghiệp, xin chuyển lên đất xây dựng hoặc "xây chui". Kiếm một chỗ "ở chui" là đồng nghĩa với việc vận vào người nỗi lo thường trực... mất nhà!
Đất ruộng lên đời
Con đường số 5 thuộc khu phố 3 phường Bình Hưng Hòa A chạy từ phía sau khu công nghiệp Tân Bình mở rộng, xuyên qua vùng đồng ruộng, băng ra xa lộ Đại Hàn. Giá ở đây 10 triệu/m2 đất ruộng. Mua xong phải tách thửa, xin chuyển mục đích xây dựng với giá 1,2 triệu/m2.
Con đường này chưa tráng nhựa, hiện đang là mùa mưa, đường sá lầy lội, những vũng nước to như hố bom, nhỏ như ổ gà liên tục nối nhau, tạo nên những cái bẫy cho người đi đường. Trong quy hoạch, chỉ giới rộng 16m, nhưng cuối cùng địa phương đã quyết định chỉ làm 10m, vì nhà nước không đền bù, chỉ vận động nhân dân hiến đất.
Đức, một người chuyên làm môi giới cho biết, trong thời điểm sốt giá, đất khu vực này tăng đến 40%, thế nhưng khi đất đóng băng giá lại giảm rất ít. Ở những con đường xương cá, bàn cờ nhỏ hơn thuộc các khu phố 3, 4, 5, 6…, giá đất nông nghiệp cũng đã từ 5 đến 7 triệu đồng/m2.
Những vùng đất ruộng ở các quận Bình Tân, quận 12, các huyện như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi… hiện đang ngày càng được chú ý. Con đường Phan Văn Hớn bắt đầu từ cầu Tham Lương quận Bình Tân qua quận 12, Hóc Môn và về Long An, hiện giá đất ruộng mặt tiền đường đang có giá 8 triệu/m2.
Đây là con đường lớn và quy hoạch hai bên là nhà phố thuộc khu dân cư hiện hữu nên việc chuyển đổi sang đất thổ cư khá dễ dàng. Thế nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật và ngại tiếp cận cơ quan hành chính của người dân, giới môi giới chặt đẹp với giá “dịch vụ” từ 20 đến 25 triệu làm thủ tục cho mỗi sổ đỏ đất thổ cư.
Ngôi nhà một đêm
Có tiền và gặp nơi thuận lợi thì làm theo cách trên, còn nếu ít tiền, phải mua những vùng đất khó chuyển đổi thành đất xây dựng, giá rẻ hơn. Đa số người lao động nghèo dành dụm được một hai trăm triệu thường dùng cách này, và buộc phải xây nhà trái phép.
Người mua chỉ cần trả đủ tiền mua đất, bên bán sẽ viết giấy cam kết và sau đó mọi việc sẽ do chủ thầu xây dựng lo. Quang, một chủ thầu xây dựng, ra giá trừ chi phí ngôi nhà, cộng thêm tiền lo thủ tục “hợp thức hóa” 30 triệu nữa để ngôi nhà này không bị… đập.
Một người phụ nữ tên Duyên giới thiệu 3 miếng đất ruộng giữa cánh đồng mênh mông thuộc một thôn xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh, mỗi miếng xác định bởi hàng gạch xây, đều có chiều ngang giống nhau 4 mét. Nói về việc xây dựng nhà, bà Duyên cam đoan là xây dựng và hợp thức hóa được. “Những chuyện đó gọi người xây nhà, họ lo được hết”, người phụ nữ môi giới này nói.
Những mảnh ruộng không trồng cấy, được chia vuông vức thành từng ô chiều ngang 4 mét, dài từ 15 đến 20 mét bằng những hàng gạch. Chỉ sau một đêm, sáng ra những trên những lô đất ruộng này là những ngôi nhà hộp diêm hiện ra, tường ngói đỏ au.
Nhà xây "bảo hành" 3 tháng!
Một kiểu xây nhà “chui” khác là ngụy trang. Trước cổng con đường vào ấp 4, xã Bình Hưng Hòa B, huyện Bình Chánh có tấm bảng ghi “Ấp văn hóa”. Càng đi sâu vào bên trong, dọc con đường là những ngôi nhà trong xây ngoài lá dừa nước. Những tấm lá dừa lâu ngày rơi xuống, lộ ra bên trong những mảng tường đỏ chưa quét sơn.
Tuấn, chủ một ngôi nhà lá kiểu này ở xã Vĩnh Lộc B, cho biết anh mua lô đất ruộng 100m2 với giá 80 triệu đồng, tức 80 ngàn đồng/m2. Người chủ xây dựng nhận xây cho anh và hứa sẽ "bảo hành" trong thời gian 3 tháng. “Bảo hành” có nghĩa là người chủ thầu sẽ chịu trách nhiệm “quan hệ” với chính quyền địa phương để ngôi nhà không bị lập biên bản, buộc tháo dỡ. Sau 3 tháng, nếu bị chính quyền địa phương lập biên bản buộc đập bỏ, thì không thuộc trách nhiệm của chủ thầu.
Người nghèo thường chọn cách tìm chỗ ở bằng cách trên bởi tiền ít và tính thuận lợi của nó khi mua xây nhà so với mua nhà chung cư, đất dự án. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi tình trạng xây dựng trái phép tràn lan, diễn ra ngày đêm và công khai khắp nơi trên địa bàn mình đang phụ trách?
Đã có người gặp may khi những khu vực này được quy hoạch khu dân cư hiện hữu, tức là những ngôi nhà xây trái phép sau đó được hợp thức hóa.
Tuy nhiên cũng đã có trường hợp người dân và công luận lên tiếng, chính quyền buộc phải cưỡng chế. Những ngôi nhà bị đập ở khu phố 3 phường Bình Hưng Hòa A hồi tháng 1 năm 2007 là tiêu biểu cho kiểu nhà xây vách lá và “ngôi nhà một đêm”.
Theo Vietnamnet