Dẹp một nửa sàn giao dịch BĐS?

Cập nhật 09/05/2015 08:09

Dự thảo Thông tư mới của Bộ Xây dựng về việc quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS đang được đưa ra lấy ý kiến.


Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, kể từ đầu năm 2009, khi bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn, về thực trạng có sàn sau khi đăng ký thành lập nhưng không có giao dịch, hoặc có giao dịch thiếu minh bạch chưa đủ yếu tố hợp pháp, hoặc thực hiện không đúng chức năng về sàn giao dịch BĐS.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, từ 1/7 tới khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có hiệu lực, tất cả giao dịch BĐS không phải bắt buộc qua sàn. Sàn chỉ đóng vai trò kết nối giữa khách hàng với chủ đầu tư. Như vậy, mọi thông tin về dự án sẽ tránh bị trung gian lợi dụng gây “nhiễu”. Đồng thời những quy định mới về sàn giao dịch sẽ phân loại và loại bỏ được sàn giao dịch làm ăn “chộp giật”.

Theo ông Phạm Gia Yên - Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, nhiều sàn giao dịch BĐS còn mắc phải sai phạm bao gồm không công bố thông tin về sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, bán BĐS khi chưa có giấy phép xây dựng, huy động vốn vượt quá 70%...

Hầu hết các chủ đầu tư tìm mọi cách “né” giao dịch qua sàn bằng cách thực hiện các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS và việc mở sàn giao dịch BĐS chỉ để bán sản phẩm của chính mình.

Ông Nguyễn Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch Maxland cho biết, trên thực tế, nhiều sàn giao dịch BĐS trong nội đô vẻn vẹn  10m2 chỉ đủ kê một cái bàn cho một nhân viên. “Nếu Thông tư có hiệu lực sẽ có khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa vì không đủ tiêu chuẩn” – Ông Diễn nói.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, toàn quốc hiện có trên 700 sàn giao dịch BĐS hoạt động, riêng TPHCM trung bình mỗi tháng có 20 sàn giao dịch BĐS ra đời. Tuy nhiên, lượng giao dịch BĐS qua sàn cả nước chỉ chiếm khoảng 40%.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong