Đến lượt resort, homestay rao bán khắp nơi

Cập nhật 03/08/2023 10:59

Trong bối cảnh thị trường đóng băng, thanh khoản của các sản phẩm như homestay, farmstay, resort… càng thêm khó khăn.

Một farmstay tại Lâm Đồng đang được chủ đầu tư rao bán. Ảnh: Q.HUY

Dù du lịch đã bắt đầu đà phục hồi nhưng nhiều khách sạn 3-4 sao, resort, homestay, farmstay… ở nhiều tỉnh, thành vẫn đang đua nhau rao bán.

Resort, homestay ở vị trí “hot” cũngbán tháo

Sau nhiều năm nở rộ đầu tư homestay, farmstay với phong trào bỏ phố về rừng, giờ đây hàng loạt chủ đầu tư đang đua nhau rao bán các bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng trên mạng xã hội, trang quảng cáo nhà đất.

Lâm Đồng, nơi được coi là thủ phủ homestay, farmstay, có nhiều thông tin rao bán nhất từ đầu năm đến nay. Đơn cử như một tin rao đi nước ngoài nên cần bán gấp farmstay mới xây, giáp mặt nước Hồ Ngọc - Bảo Lâm, đang kinh doanh tốt mới được đưa lên.

Theo nhân viên môi giới, farmstay này đang hoạt động, có 3 bungalow, 3 nhà mái lá, 1 nhà một tầng nội thất cao cấp, view Hồ Ngọc tuyệt đẹp, đối diện là cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, tổng diện tích 4.000 m2 có giá 23 tỉ đồng.

Một chủ resort khác ở TP Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) lại nêu lý do muốn đầu tư nhà vườn lớn hơn nên bán lại khu nghỉ dưỡng rộng 6.000 m2, hai mặt tiền đường nhựa, giá bán lên tới gần 20 tỉ đồng.

Nhân viên môi giới gửi cho chúng tôi hình ảnh khu resort đã được đầu tư hoàn thiện, có nhà sàn gỗ, vườn cây, ao cá, điện, nước đầy đủ. Thậm chí có một vườn cây ăn trái, khu chăn nuôi và vườn rau sạch.

“Anh mua là có thể khai thác cho thuê ngay. Gia đình mình vừa sử dụng vừa đầu tư sinh lời. Giá này chủ đầu tư đã giảm 15% so với hồi đầu năm rồi” - người này nói.

Nhiều khách sạn, resort 3-4 sao tại những địa điểm du lịch như Hội An, Đà Nẵng hay tỉnh Khánh Hòa cũng đang được ngân hàng rao bán để xử lý thu hồi nợ. Theo ngân hàng này, tính riêng Hội An đã có khoảng 35 tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các biệt thự, khách sạn 3-4 sao, giá từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Ở Bình Thuận cũng có một dự án khu resort đang được ngân hàng này rao bán với giá hơn 42 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia ngành du lịch, cho biết nhiều khách sạn, resort được xây dựng vào thời điểm trước dịch nên kinh doanh tốt. Khi dịch xảy ra, mọi thứ đều đóng băng, chủ đầu tư thua lỗ. Sau dịch dù khách có tăng nhưng vẫn chưa đạt như trước khiến việc kinh doanh các khu này gặp khó.

“Hiện nay, dù du lịch bắt đầu phục hồi nhưng du khách quốc tế vẫn giảm nhiều so với trước. Do tình hình chung như vậy nên các chủ đầu tư không thể gánh lãi, phải chấp nhận bán lại cơ ngơi” - ông Mỹ nói.

Phải giảm giá giới đầu cơ mới xuống tiền

Theo TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, làn sóng rao bán các sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng đầu năm đến nay có hai dạng. Một là chủ đầu tư vay vốn đầu tư, thời điểm mua giá đất sốt, các homestay, farmstay hay resort được định giá cao. Thế nhưng hiện nay kinh tế khó khăn, du lịch cũng không sôi động, chủ đầu tư lại phải trả lãi ngân hàng nên buộc phải rao bán, có nơi chấp nhận giảm giá đến 30%-40%.

“Thứ hai là các resort, khách sạn được ngân hàng rao bán phát mại tài sản để xử lý, thu hồi nợ vay” - TS Nhân chia sẻ.

Theo phân tích của TS Nhân, thị trường đang trầm lắng, chỉ những sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực mới có giao dịch, còn dạng đầu cơ thì thanh khoản gần như đóng băng. Sai lầm của các chủ homestay, farmstay là vẫn kỳ vọng du lịch đang phục hồi, giá nhà đất sẽ không giảm mà tăng theo lạm phát nên họ không giảm giá nhiều.

“Thực tế lại khác. Có hai đối tượng người mua thời điểm này là người mua nhà để ở thì họ không mua các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; thứ hai là dân đầu cơ thì phải có giá rẻ hơn mặt bằng nhiều họ mới xuống tiền” - TS Nhân chỉ ra.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết nếu đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng dùng đòn bẩy tài chính sẽ không trụ được lâu. Kinh doanh khai thác homestay, resort, khách sạn… là dài hạn, đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính và chuyên môn, kiến thức về vận hành, quản lý ngành du lịch, nghỉ dưỡng.

Nhiều nhà đầu tư làm theo phong trào, ăn theo, vay ngân hàng trong khi lượng khách du lịch thưa thớt, cung vượt quá cầu dẫn tới nhiều homestay rơi vào tình trạng thiếu khách, thu không đủ bù chi phí thì sẽ… ngộp ngay.

Cần thêm nhiều gói kích cầu du lịch

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung bảy tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm 2022. Tuy tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng con số trên vẫn chỉ bằng khoảng 67% so với cùng kỳ năm 2019.

Để du lịch Việt Nam tăng tốc thu hút nhiều khách quốc tế hơn thì cần những chính sách kích cầu thiết thực hơn nữa, tương tự như Thái Lan hay các nước trong khu vực đang làm thì các khách sạn, resort mới “sống” lại.

“Có thời điểm du khách Việt Nam sang du lịch Thái Lan chỉ mất khoảng 5-6 triệu đồng bao gồm cả vé máy bay, chi phí tour, khách sạn trong 3-4 ngày, gói VIP cũng chỉ 9-10 triệu đồng/người, rẻ hơn cả đi tour trong nước. Trong khi đó, vé máy bay nội địa Việt Nam lại đang quá cao” - TS Nhân nói.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO