Đến lượt nhà đầu tư châu Á

Cập nhật 25/08/2011 08:10

Nếu như 5 năm về trước, các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản Việt Nam chủ yếu đến từ châu Âu và Mỹ thì nay là châu Á.

Có 2 đặc điểm rất dễ nhận ra của các nhà đầu tư châu Á tại Việt Nam là đa phần đều đầu tư vào phân khúc nhà ở và trung tâm thương mại.

Trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Lê Hoàng Quân hồi cuối tháng 7.2011, Bộ trưởng Bộ Tiêu dùng nội địa Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob cho biết chuyến thăm Thành phố lần này của ông nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Malaysia, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.

Hiện nay, Malaysia đang đầu tư dự án Khu phức hợp Platinum Plaza (gồm trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và khu dân cư) có quy mô 9 ha tại khu Nam Sài Gòn thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Dự án do Tập đoàn WCT Engineering Berhad đầu tư với tổng vốn 600 triệu USD, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. WCT cũng chuẩn bị triển khai một dự án trung tâm thương mại kết hợp khu dân cư khác tại cùng khu vực có vốn đầu tư 200 triệu USD.

Không chỉ Malaysia, trong những năm qua, thị trường Việt Nam còn thu hút các nhà đầu tư Philippines, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore. Lý giải cho vấn đề này, ông Troy Griffiths, Giám đốc Toàn quốc, Bộ phận Nghiên cứu và Định giá của Savills Việt Nam, cho rằng: “Nền kinh tế các nước châu Á ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, do có sự gần gũi về văn hóa và tập quán kinh doanh nên đa phần nhà đầu tư châu Á vẫn xem trọng thị trường Việt Nam. Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư châu Âu, Mỹ đang phải tập trung xử lý các vấn đề tại chính thị trường của mình”.

Những ngôi sao châu Á

Nằm trong số các nhà đầu tư Malaysia tích cực nhất tại Việt Nam là Công ty Bất động sản Berjaya Land Berhad, thuộc Tập đoàn Berjaya. Có mặt từ năm 2006, Berjaya đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 7,1 tỉ USD.

SP Setia, một nhà đầu tư bất động sản lớn tại Malaysia, hiện có 2 dự án đang triển khai tại Việt Nam là Ecolakes (Bình Dương) với số vốn gần 100 triệu USD và Eco Xuân - Lái Thiêu với tổng vốn đầu tư 177 triệu USD. Gamuda Land (Malaysia) cũng đã hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện dự án Celadon City tại quận Tân Phú (TP.HCM).

Ngoài Malaysia, còn có 2 quốc gia châu Á cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam là Hàn quốc và Singapore. Nếu như CapitaLand và Keppel Land, 2 doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản của Singapore, đã hiện diện từ lâu thì những nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc như GS, Huyndai, IDE, Charm Engineering, INPYUNG mới xuất hiện, cũng bắt đầu có dự án tại Việt Nam.

Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang trở lại thị trường sau khi rút lui vào năm 2008. Một số nhà đầu tư của Trung Quốc cũng tìm đến Công ty nhờ tư vấn cơ hội đầu tư vào lĩnh vực cao ốc văn phòng, căn hộ tại Việt Nam.

“Một phần của câu chuyện này là các thị trường như Philippines, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông không còn hấp dẫn nữa. Ví dụ, đối với một số tòa nhà trên đường Robinson ở Singapore, nhà đầu tư phải bỏ ra 15.000 USD/m2 xây căn hộ để bán hoặc cho thuê mà chỉ lãi có 3%. Trong khi đó, nếu họ đầu tư vào các địa điểm tốt ở Việt Nam, tỉ lệ trên có thể hơn 20%”, ông Townsend nhận xét.

Chọn con đường liên doanh

Có 2 đặc điểm rất dễ nhận ra của các nhà đầu tư bất động sản châu Á tại Việt Nam. Thứ nhất, đa phần đều đầu tư vào phân khúc nhà ở và trung tâm thương mại. Trong khi đó, các nhà đầu tư Âu, Mỹ trước đây lại quan tâm đến bất động sản du lịch, khách sạn.

Điều này tương đối dễ hiểu khi hiện nay nhu cầu đối với bất động sản nhà ở tại Việt Nam tiếp tục ở mức cao trên cả nước, nhất là ở các đô thị lớn. Đó là do nguồn cung tương đối thấp (đặc biệt ở Hà Nội) và chất lượng không cao, cũng như do mức sống được cải thiện và quá trình đô thị hóa gia tăng.

Thứ 2 là đa phần nhà đầu tư đến từ châu Á thường chọn con đường liên kết cùng với chủ đầu tư khác của Việt Nam để thực hiện dự án hoặc mua lại một dự án nào đó. Chẳng hạn, SP Setia chọn Becamex làm đối tác. Gamuda Land thì chọn Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal); Keppel Land chọn Tiến Phước. Hay những dự án của CapitaLand ở Việt Nam đều có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, tập đoàn Singapore này cũng đã thành lập 2 liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam là Khang Điền và Quốc Cường Gia Lai.

Theo ông Yip Hoong Mun, Phó Tổng Giám đốc CapitaLand tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài như CapitaLand không có nhiều quỹ đất ở Việt Nam như các doanh nghiệp bất động sản trong nước. Trong khi đó, họ có thế mạnh là kinh nghiệm xây dựng, kỹ thuật và công nghệ cũng như khâu thiết kế tiên tiến. Vì vậy, tìm các đối tác tại Việt Nam để hợp tác và phát triển là hướng đi thích hợp nhất.

Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư nước ngoài chọn cách hợp tác hay mua lại có thể xuất phát từ những yếu tố sâu xa hơn. “Việc xin phê duyệt dự án mất nhiều thời gian, mặt bằng, giá đất cao, thủ tục giải phóng mặt bằng phức tạp là những trở ngại khiến các nhà đầu tư nước ngoài không muốn tự mình làm dự án. Vì thế, những dự án có sẵn luôn là lựa chọn của chúng tôi”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc (không muốn nêu tên) cho biết.

Xu hướng này được dự báo sẽ gia tăng, vì các doanh nghiệp Việt Nam đang rất thiếu vốn trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vốn lại khá dồi dào nhưng không có dự án.

Mới đây, trong một lần tiếp xúc với báo giới, đại diện của Sacomreal cho biết, đã có một số quỹ đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào các dự án của Công ty. Trong đó, Mapletree Investments, thuộc Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore), tìm hiểu về các dự án cao ốc văn phòng và căn hộ. Công ty Sung Chang (Hàn Quốc) quan tâm đến các dự án bán lẻ. Quỹ Đầu tư Bất động sản EngelInvest (Israel) cũng đã đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp Cầu Đầu Tư