Đền bù thỏa đáng!

Cập nhật 10/11/2008 01:00

Ý tưởng đền bù không chỉ những giá trị hữu hình, mà cả những giá trị vô hình mất đi do hệ quả của quá trình giải tỏa đất đai, không phải là món quà của lòng tốt. Nó phát sinh phù hợp với logic hoàn thiện luật pháp, cần thừa nhận sự bất hợp lý, bất công của cơ chế trao đổi đang vận hành trong lĩnh vực đền bù - giải tỏa, để phải tiến hành sửa đổi.

“Giải tỏa và đền bù”, suy cho cùng chỉ là cách gọi khác, nhẹ nhàng, để chỉ một vụ mua bán cưỡng bách: người bán, tức là người dân vùng giải tỏa, không hề muốn nhưng vẫn phải bán, phải giao trả đất, bỏ nhà cửa, hoa màu vì không có sự lựa chọn khác.

Lẽ ra người bị buộc phải trao đổi, theo đúng luật chung về trách nhiệm dân sự, có quyền yêu cầu đền bù tất cả những thiệt hại có thật và là hệ quả trực tiếp của hành vi tìm kiếm lợi ích mà bên kia thực hiện. Sự mất mát có thể thuần túy vật chất, mà cũng có thể mang ý nghĩa tổn thất về tinh thần, đó là thiệt hại do sự tan rã của tình nghĩa láng giềng, làng xóm, của nếp sống, sự đùm bọc đã quen…

Cũng theo luật chung về trách nhiệm dân sự và theo đúng lẽ công bằng, người bị thiệt hại mất cái gì, bao nhiêu phải được bù đắp bấy nhiêu, không ít hơn, nhưng cũng không nhiều hơn. Bởi vậy, không nên mất thì giờ để nghĩ ra những quy tắc sáo rỗng kiểu như “khu tái định cư phải có điều kiện phát triển… tốt hơn nơi ở cũ”. Thay vào đó, cần suy nghĩ để hoàn thiện lộ trình xác định chính xác, đầy đủ sự mất mát và xúc tiến việc bồi thường thỏa đáng cho người bị thiệt hại.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, chỉ có hai phương thức giải quyết cho phép đạt được sự thỏa đáng trong bù đắp thiệt hại: trên cơ sở thương lượng bình đẳng và tự nguyện, người bị thiệt hại và người gây thiệt hại đi đến thỏa thuận chung, đặc biệt là về mức và cách thức bồi thường. Hoặc trong điều kiện hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, một bên hoặc cả hai bên yêu cầu một người thứ ba, khách quan và có đủ công tâm, đóng vai trọng tài để phân xử.

Trong trường hợp thứ hai, người thứ ba ấy dứt khoát phải là tòa án hoặc ít nhất là một cơ quan trọng tài chuyên nghiệp. Trong xã hội có tổ chức, chính thẩm phán hoặc trọng tài viên mới là người có quyền lên tiếng nhân danh công lý để dàn xếp, chỉ định ứng xử của các bên trong một vụ xung đột lợi ích; cũng chỉ nhân vật này mới có đủ tư cách để tuyên bố rằng một cuộc đôi co nào đó của hai chủ thể phải được giải quyết như thế này hoặc thế kia, và bằng cách đó chấm dứt tình trạng khủng hoảng trong quan hệ giao tiếp giữa họ.

Với cơ chế đền bù hiện hành, người dân vùng giải tỏa luôn có cảm giác ở giữa vòng vây chỉ gồm toàn những người đối lập với mình trong cuộc tranh chấp lợi ích: từ ủy ban nhân dân, tổ chức bồi thường và giải phóng mặt bằng, đến nhà đầu tư, thậm chí cả định chế mới đang được triển khai thử nghiệm là công ty dịch vụ đền bù - giải tỏa chuyên nghiệp. Tất cả đều chỉ chăm chú làm thế nào để người dân chấp nhận ra đi.

Chính cơ chế này đã khiến người dân cảm thấy bị ép uổng, áp đặt, để rồi khi không đè nén được sự bức xúc, đã khăn gói quả mướp và tập họp lại một cách tự phát, cùng đi gõ cửa cấp cao để đòi sự công bằng.

>Người dân bị thiệt do thu hồi đất: Đền bù giá trị vô hình ra sao?


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ