Đền bù đất đai không đúng “tiền tươi thóc thật”

Cập nhật 27/04/2012 09:10


Luật sư Lê Đức Tiết - Ảnh: Lê Kiên
Luật sư Lê Đức Tiết - phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của MTTQ VN - cho biết như vậy khi được hỏi về nguyên nhân của các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-4, luật sư Lê Đức Tiết khẳng định: “Khiếu kiện về đất đai chiếm đến trên 70% tổng số đơn thư khiếu kiện. Chính phủ đã nỗ lực, tập trung giải quyết nhưng đến nay kết quả chưa đạt được như mong muốn là do chưa giải quyết được tận gốc vấn đề trong Luật đất đai”.

* Thực tế tình trạng khiếu kiện phản ánh bất cập gì trong Luật đất đai, phải làm thế nào để giải quyết tận gốc vấn đề này, thưa ông?

- Muốn giải quyết được những bất cập trong quản lý đất đai, tình trạng khiếu kiện về đất đai hiện nay thì phải giải quyết vấn đề sở hữu. Hiện nay pháp luật chúng ta quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Tôi cho rằng tới đây sửa hiến pháp và Luật đất đai cần quy định ba hình thức sở hữu, bao gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Bất cập lớn nhất là hiện tại chúng ta không quy định quyền sở hữu tư nhân về đất đai, trong khi quyền này là một trong các quyền tự nhiên của con người.

* Như vậy Nhà nước sẽ sở hữu những loại đất nào? Loại đất nào sẽ cho phép sở hữu tư nhân?

- Nhà nước phải sở hữu đất dành cho quốc phòng, an ninh, công trình quan trọng quốc gia, đất dự phòng và một số loại đất quan trọng khác. Cá nhân được quyền sở hữu đất ở và đất canh tác theo hạn mức được quy định trên cơ sở đáp ứng nhu cầu ở, sản xuất và vấn đề bình đẳng xã hội. Ngoài hạn mức được sở hữu, nếu muốn thì cá nhân có thể thuê, mua lại của cá nhân khác hoặc thuê của Nhà nước.

* Nhưng có những ý kiến lo ngại rằng quy định sở hữu cá nhân sẽ gây khó khăn cho công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án?

- Vấn đề này hoàn toàn xử lý được bằng luật pháp một cách rạch ròi và sòng phẳng. Nếu Nhà nước lấy đất của cá nhân phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, công trình quan trọng quốc gia, phúc lợi xã hội thì Nhà nước có quyền trưng dụng, trưng mua trên cơ sở thỏa thuận với người chủ sở hữu theo nguyên tắc hài hòa lợi ích nhà nước và đảm bảo quyền lợi công dân. Còn liên quan đến các dự án kinh tế thì phải đảm bảo nguyên tắc cao nhất là thỏa thuận giữa người có đất với chủ dự án, với doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

* Lâu nay chúng ta vẫn quy định nguyên tắc là đền bù phải sát giá thị trường?

- Hiện nay HĐND các địa phương được quyền quyết định khung giá đất hàng năm. Dựa trên khung giá này mà người ta lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Tuy nói là theo sát giá thị trường nhưng chính Nhà nước cũng lúng túng trong việc quy định thế nào là giá thị trường và giá thị trường cũng biến động trong các thời điểm khác nhau.

Không ít nơi, khung giá đất do Nhà nước quy định không theo sát giá thị trường, giá đền bù không đúng với giá “tiền tươi thóc thật” mà người dân bán đất. Đây chính là mấu chốt vấn đề, làm nảy sinh khiếu kiện, tiêu cực và tham nhũng. Một mặt anh nói là thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường, nhưng trên thực tế thì áp giá dựa trên khung giá được quy định.

* Theo ông, có nên tiếp tục lấy đất canh tác của dân giao cho doanh nghiệp thực hiện các dự án kinh tế, bất động sản?

- Về vấn đề này, tôi theo dõi thấy nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu là không nên lấy đất bờ xôi ruộng mật làm khu công nghiệp, dự án bất động sản. Theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng ở đây là nếu một khi đã phân biệt rõ đất sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân thì sẽ rất dễ xử lý khi thu hồi đất. Ví dụ, nếu đất đó là đất công thì dựa trên quy hoạch, Nhà nước cho đấu giá để cấp cho các dự án phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Còn thu hồi đất thuộc sở hữu cá nhân thì phải quy định rõ quyền của người dân trên nguyên tắc cao nhất là thỏa thuận.

Đất đai là tư liệu sản xuất của người dân, do đó khi thu hồi vào mục đích kinh doanh thì nên quy định cơ chế để người dân dùng mảnh đất đó góp cổ phần vào dự án chứ không phải lúc nào cũng mua đứt bán đoạn.

Ecopark là dự án đổi đất lấy hạ tầng

Trả lời Tuổi Trẻ về việc cưỡng chế thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang, Hưng Yên (Ecopark), chiều 25-4, ông Bùi Huy Thanh - chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - cho biết: “Đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải là dự án phát triển kinh tế của chủ đầu tư. Trong toàn bộ diện tích giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, chỉ có 30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh, tức là chủ đầu tư làm nhà để bán, còn lại là diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh”.

Theo ông Thanh, chủ đầu tư đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng để làm đường bộ liên tỉnh từ cầu Thanh Trì (Hà Nội) đi TP Hưng Yên, hơn 3.000 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng khu đô thị và hạ tầng thuộc huyện Văn Giang, vì vậy tỉnh phải có trách nhiệm giao trả đất thuộc dự án cho chủ đầu tư sau khi họ đã đầu tư xây dựng hạ tầng.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ