Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có công văn gửi Chính phủ, UBND TPHCM và các Bộ ngành liên quan một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.
1/ Đề nghị xử lý “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng và việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia.
- Sửa đổi, bổ sung điều 62 Luật Đất đai
- Kiến nghị giao cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” của các tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện như hiện nay, và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
2/ Đề nghị giải quyết “điểm nghẽn” tiền sử dụng đất để đảm bảo minh bạch và loại trừ cơ chế “xin - cho”.
3/ Đề nghị giải quyết “điểm nghẽn” thủ tục hành chính.
- Đề nghị giao cho cấp tỉnh thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng) để giảm thiểu “lợi ích nhóm”.
- Đề nghị miễn thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình trong dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng đã được duyệt.
- Đề nghị giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng.
Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 170 Luật Nhà ở 2014 chỉ quy định trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỉ đồng trở lên, không phụ thuộc số lượng căn nhà của dự án; các dự án nhà ở khác đề nghị giao cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
4/ Đề nghị giải quyết “điểm nghẽn” tín dụng cho thị trường bất động sản; và đề nghị Nhà nước có cơ chế tiếp nối để hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách để mua nhà ở xã hội; cho người thu nhập thấp đô thị để mua nhà ở thương mại giá rẻ.
Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các trường hợp nhận nhà từ ngày 01/01/2017 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, do số lượng này không nhiều, mà nếu phải vay thương mại thì đối tượng này rất khó khăn; Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế để tính lãi suất cho vay hàng năm trong thời hạn khoảng 15-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên thuộc loại căn hộ vừa túi tiền.
5/ Đề nghị giải quyết “điểm nghẽn” về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.
Hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án; coi chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh bất động sản theo nhu cầu của các doanh nghiệp.
6/ Kiến nghị áp dụng hình thức giao đất ổn định lâu dài cho chủ đầu tư, chủ sở hữu phần diện tích công trình thương mại, dịch vụ, căn hộ dịch vụ (officetel) trong dự án nhà ở:
7/ Đề nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài; nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta.
8/ Đề nghị thống nhất điều kiện được chỉ định chủ đầu tư dự án.
9/ Đề nghị cho phép doanh nghiệp “siêu nhỏ” được mở văn phòng tại căn hộ chung cư, để khuyến khích phong trào khởi nghiệp trong thanh niên.
10/ Đề nghị cho phép người nước ngoài được mua, thuê mua căn hộ dịch vụ (officetel) tại nhà chung cư được xây dựng có mục đích hỗn hợp để ở và kinh doanh.'
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động