Cựu phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất lập hai hệ thống dàn đậu xe thông minh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ để chứa 12.000-20.000 ô tô.
“Tôi cho rằng TP.HCM có thể tận dụng không gian phía trên của hai con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ; chạy suốt từ quận 1, 3, 4, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 6 và quận 8 để làm các dàn đỗ xe thông minh, giải quyết nhu cầu đậu, đỗ xe đang rất bức bách của người dân TP”. Sáng 24-3, cựu phi công Mai Trọng Tuấn có văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM và Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường với đề xuất như trên.
Không chiếm một mét “đất vàng” nào!
Theo ông Tuấn, các vị trí vừa nêu thỏa mãn được các tiêu chí như phải là một hệ thống nhiều dàn đậu xe liên hoàn, được phân bổ tại nhiều địa điểm xung quanh, sát trung tâm TP thì mới có hiệu quả phục vụ cho nhu cầu bức thiết. Nó phải tiện lợi cho người gửi xe đi bộ một quãng đường ngắn hoặc đi xe điện trong khu vực trung tâm. Vị trí cũng phải có sẵn kết cấu hạ tầng giao thông liền kề, không được làm đồ sộ và quá cao vì gây ảnh hưởng đến mỹ quan. Ngoài ra, dù là Nhà nước hay vốn xã hội hóa thì hoạt động của các bãi đậu xe này phải có lãi và hoàn vốn nhanh, trước mắt là không phải tốn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Tuấn thuyết trình thêm: “Triển khai hai hệ thống trên không gian hai kênh này sẽ không chiếm một mét “đất vàng” nào, lại góp phần làm cho hai bên bờ kênh sạch đẹp. Hạn chế dân và các quán nhậu đổ rác bừa bãi vào ban đêm. Có thể làm một số nhà vệ sinh công cộng thu tiền phục vụ công ích, có thể cho các doanh nghiệp quảng cáo, lắp các loại đèn quảng cáo, đèn màu...”.
Không thể lấy kênh rạch làm nhà xe
Hiện nay đúng là TP.HCM đang phải chịu áp lực rất lớn về bãi đậu xe. Theo tôi biết TP có hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có được ba nhà xe cao tầng trong khi đúng ra phải 200-300 nhà xe thì mới đủ sức chứa. Tuy nhiên, điều tối kỵ nhất trong quy hoạch đô thị là khi giải quyết vấn đề này làm phát sinh vấn đề khác. Câu chuyện làm nhà xe trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là trường hợp như vậy. Việc làm nhà xe trên kênh thì ai cũng thấy được hệ lụy đầu tiên là sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị của TP. Đó là chưa kể khi đi vào sử dụng sẽ gây ô nhiễm vệ sinh môi trường do nhớt xe rò rỉ chảy xuống kênh. Do đó, việc xây nhà xe trên kênh là không khả thi. Tôi cho rằng đã đến lúc ngừng cấp phép làm bãi xe trong công viên hay trên kênh rạch, dù là làm chính thức hay làm tạm, mà nên làm bãi đậu xe trên đất có chức năng phù hợp.
Ở nước ngoài, nhiều quốc gia đã cho phép các nhà đầu tư có thể mua đất để làm nhà để xe như mua một căn hộ, được cấp giấy đỏ đàng hoàng. Khi xây dựng xong, họ có thể bán chỗ để xe và được cấp giấy chủ quyền. Tôi nghĩ đây cũng là bài toán kinh tế hợp lý mà TP cần tham khảo. Với thực trạng của TP.HCM hiện nay, theo tôi cứ 1-2 ô phố thì cần có một bãi đậu xe cao tầng. Để làm được điều này thì TP cần phải có chính sách khuyến khích nhà đầu tư, chẳng hạn như về giá giữ xe. Các bãi xe công cộng của Nhà nước thì phải thu đúng giá, còn của tư nhân thì được phép thu cao hơn bằng cách tạo ra một hệ số nào đó. Như thế theo tôi sẽ khả thi hơn.
Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN
Làm tạm bợ thì không nên
TP.HCM đang hướng tới việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững nhưng quá trình phát triển thường xuyên phát sinh những công trình tạm bợ, chữa cháy. Cầu vượt bằng thép, nhà để xe tạm… chính là những công trình tạm bợ, chắp vá. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của đô thị. Hơn 17 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một điểm nhấn cảnh quan đô thị đặc biệt trong lòng TP. Không thể trùm lên cảnh quan này bất cứ công trình gì.
Một kinh nghiệm làm nhà xe ở Tokyo, Nhật Bản là họ xây dựng các bãi xe ngầm và quản lý nhà xe bằng hệ thống điện tử. Theo đó, chỉ cần với diện tích khoảng 300-400 m2 xây dựng, khi thi công tầng hầm thì làm sâu xuống khoảng 30 m. Đây chính là khoảng không gian để có thể làm được bãi xe 30-40 tầng. Bãi xe sẽ sắp xếp và quản lý xe bằng hệ thống điện tử. Tôi nghĩ đây là một kinh nghiệm hay mà TP nên học tập và làm thí điểm.
Kiến trúc sư NGUYỄN NGỌC DŨNG