Sau Kiên Giang và Quảng Ninh, đến lượt Tp.HCM cũng muốn có đặc khu kinh tế với mục đích thử nghiệm các chính sách mới, đột phá thể chế và tạo động lực phát triển cho thành phố.
Mục đích của việc thành lập đặc khu kinh tế là đột phá thể chế, trong đó chủ yếu là thử nghiệm các chính sách mới, ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, gỡ bỏ dần các rào cản từ tình trạng cát cứ trong quản lý ngành.
|
Theo đề án chi tiết của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM (HIDS) vừa trình UBND thành phố, đặc khu kinh tế trải rộng trên địa bàn quận 7 và 3 huyện: Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Tổng diện tích của đặc khu theo đề án là hơn 888 km2, tổng dân số hơn 685.000 người, trong đó phần diện tích quận 7 là hơn 35 km2, huyện Bình Chánh hơn 48 km2, thuộc 3 xã Bình Hưng, Phong Phú, Đa Phước; huyện Nhà Bè hơn 100 km2; huyện Cần Giờ hơn 704 km2, trong đó có 50% là rừng phòng hộ.
HIDS cho rằng, mục đích của việc thành lập đặc khu kinh tế là đột phá thể chế, trong đó chủ yếu là thử nghiệm các chính sách mới, ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, gỡ bỏ dần các rào cản từ tình trạng cát cứ trong quản lý ngành, đồng thời vẫn đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thông lệ quốc tế.
Cùng với đó là tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển và logistics với tầm nhìn dài hạn 30 năm.
Cơ chế đặc khu kinh tế không nhấn mạnh đến các ưu đãi về kinh tế mà hướng đến môi trường đầu tư thông thoáng, bộ máy quản lý minh bạch, gọn nhẹ, hỗ trợ tối đa cho các hoạt động di chuyển, đầu tư, kinh doanh.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong đặc khu kinh tế bao gồm: hệ thống hạ tầng giao thông, logistics, thương mại, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tài chính ngân hàng, bảo hiểm kinh doanh bất động sản.
Phương án tổ chức không gian có các khu đô thị, khu dân cư, thương mại, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu hành chính, khu phi thuế quan, sản xuất nông nghiệp...
HIDS kiến nghị tăng hạn mức, thời gian và mở rộng đối tượng miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa tạo tài sản cố định.
Đặc biệt, cơ quan tư vấn này đề xuất thời gian hoạt động của dự án đầu tư cùng với thời hạn thuê đất của các nhà đầu tư tại đặc khu kinh tế là 99 năm.
Riêng đầu tư hạ tầng, HIDS đề xuất thành phố cần khuyến nghị Chính phủ đầu tư các tuyến giao thông để kết nối đặc khu kinh tế với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang...
Trước đó, UBND Tp.HCM cũng đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để bàn về đề án thành lập đặc khu kinh tế, trình Bộ Chính trị và Trung ương xem xét.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy