Bộ xây dựng: Quy kết tất cả các loại bất động sản vào khu vực " phí sản xuất" là không hợp lý.
“Một khi chúng ta đã tiến hành các biện pháp thắt chặt tín dụng từ hệ thống ngân hàng đối với thị trường bất động sản (BĐS) thì phải có những giải pháp thay thế kênh cung cấp tài chính cho thị trường này” - ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chỉ rõ điểm mấu chốt cho thị trường BĐS hiện nay tại hội thảo “Chính sách tài chính cho thị trường BĐS” do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức vào chiều 29-6.
Thị trường BĐS chỉ trầm lắng ở mảng nhà xa trung tâm TP, nhà ở cao cấp nhưng phân khúc thị trường nhà ở giá thấp, nhà ở trung bình vẫn có nhu cầu nhiều. Ảnh: HTD
|
Tạo kênh dẫn nguồn vàng miếng sang BĐS
Theo ông Chung, trước tiên cần khai thông các nguồn vốn trong dân. Một trong những nguồn vốn dễ huy động là nguồn tiền kinh doanh vàng miếng. Cần có ngay những chính sách cần thiết để tạo kênh dẫn nguồn tiền này sang thị trường BĐS. Nếu nguồn này được khơi dậy, thị trường BĐS sẽ có một nguồn tài chính thay thế đáng kể.
Đồng thời, việc triển khai mạnh quỹ tiết kiệm nhà ở mà Bộ Xây dựng đang tiến hành cũng là bước đi cần thiết. Việc này không đơn thuần chỉ là kênh tài chính nhà ở cho đối tượng xã hội có nhà, mà còn là một kênh thu hút và cung ứng vốn đầu tư cho thị trường BĐS. Trước mắt, chủ yếu các bên tham gia là những người có thu nhập ổn định ở mức khá tốt trong xã hội. “Việc các tổ chức tiết kiệm tương hỗ nước ngoài như Bauspar vào Việt Nam tham gia tìm hiểu và xúc tiến chuyển giao mô hình quỹ tiết kiệm tương hỗ BĐS rất cần được thúc đẩy, nhanh chóng triển khai. Trước mắt, khi chưa có những văn bản quy định về vấn đề này, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có những động thái cho phép tiến hành thí điểm” - ông Chung lưu ý.
Tăng cho vay mua nhà để ở
Đáng chú ý, để gỡ khó về vốn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề xuất: Tăng tỉ trọng cho vay đối với trường hợp mua nhà để ở, vay xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh. “Đây là giải pháp đúng đắn, giúp cho cả người mua nhà và doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này” - ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc, đồng tình. Tuy nhiên, ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng cho rằng cần ưu tiên cho người mua nhà vay hơn là đối với nhà đầu tư.
Các nhà quản lý, chuyên gia đều có chung nhận định: Thị trường BĐS Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn trong quá trình phát triển. Nếu các công cụ tài chính được sử dụng, một lượng tiền sẽ được huy động để tài trợ cho thị trường BĐS.
Về trung hạn, năm 2012 và đầu năm 2013, thị trường BĐS vẫn phụ thuộc rất lớn vào động thái chính sách. Nếu chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục thắt chặt thì thị trường BĐS vẫn trầm lắng. Mặt khác, cho dù chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn thắt chặt nhưng các công cụ tài chính khác được ban hành thì năm 2012, thị trường BĐS sẽ có những dấu hiệu phục hồi. “Mạnh hơn, nếu chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng và các công cụ tài chính được ban hành thì thị trường sẽ có một trào lưu, một làn sóng mới” - ông Chung dự báo.
Trầm lắng tạm thời
Giá nhà đất trong thời gian vừa qua có hạ nhưng giá nhà đất tháng 6 này vẫn chưa bằng giá của tháng 6-2010. Phân khúc thị trường nhà ở giá thấp, nhà ở trung bình nhu cầu vẫn nhiều. Thị trường chỉ trầm lắng ở mảng nhà xa trung tâm TP, nhà ở cao cấp. Nhìn chung, thị trường chỉ trầm lắng tạm thời, thị trường BĐS ở Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng
Không nên coi BĐS là phi sản xuất
Việc coi BĐS thuộc lĩnh vực phi sản xuất để hạn chế tín dụng, mà không phân biệt các loại BĐS thiết yếu là chưa hợp lý. Dự án BĐS tạo ra những khối nhà cụ thể, cao 10 tầng, 20 tầng, trong đó có nhiều căn hộ… Đó là sản phẩm có thực và để cung cấp cho người tiêu dùng. Các dự án đó còn tiêu thụ vật liệu cho các ngành xi măng, sắt thép, gạch ngói… Theo tôi, cần phải nhìn lại việc xếp BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất.
Ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP