Đề xuất làm tuyến đường huyết mạch của huyện Cần Giờ trị giá 2.100 tỷ đồng

Cập nhật 04/01/2016 09:05

UBND TP.HCM cho biết Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã có đề nghị được thực hiện dự án nâng cấp đường Rừng Sác bằng hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Theo đó toàn bộ chiều dài tuyến đường là 36,5km với điểm đầu là phà Bình Khánh, điểm cuối tại nút giao với đường 30/4. Theo đề xuất, Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ sẽ trải 2 lớp bê tông nhựa lên mặt đường hiện hữu, với những đoạn hư hỏng nặng sẽ trải đá dăm và láng nhựa trước.

Khi hoàn thành, mặt đường sẽ có 4 làn xe ô tô và 2 làn xe máy với chiều rộng từ 30 đến 40m. Dự án cũng sẽ xây 8 cây cầu song song với những cây cầu hiện có. Tổng mức đầu tư tạm tính cho dự án là khoảng 2.100 tỷ đồng.

Theo đề xuất, chủ đầu tư sẽ bỏ vốn ra để thực hiện công trình, đổi lại TP sẽ thanh toán lại bằng quỹ đất thực hiện dự án tại Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (1.080ha). Sau khi hoàn thành con đường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế tại nơi này phát triển nhanh hơn.

Có thể nói Rừng Sác là con đường huyết mạch của huyện Cần Giờ vì nó chạy dọc chiều dài huyện này. Đây cũng là con đường có cảnh quan hai bên rất đẹp bởi những đoạn đi xuyên qua các khu rừng đước lớn.

Đường được xây dựng từ năm 2011 với kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay nhiều đoạn đã xuống cấp nặng, mặt đường gồ ghề, xuất hiện nhiều ổ gà làm các loại xe không thể chạy nhanh dù mật độ không cao.

Cầu Nhị Thiên Đường 1 và 2.

Liên quan đến vấn đề giao thông, vừa qua Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đã phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp cầu Nhị Thiên Đường 1 (quận 8) với kinh phí khoảng 164 tỷ đồng.

Theo đó cây cầu mới có chiều dài 161m, rộng 12m, gồm 5 nhịp với tĩnh không đường chui bên dưới là 4,74m, tim cây cầu này cách cầu Nhị Thiên Đường 2 là 14m. Ngoài ra dự án còn xây dựng đường nối với đường Tùng Thiện Vương và Quốc lộ 50. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Nhị Thiên Đường 1 là cây cầu bắc qua Kênh Đôi (quận 8) nối Chợ Lớn với các tỉnh Miền Tây thông qua Quốc lộ 50. Cây cầu được xây dựng năm 1925 với kiến trúc vòm uốn cong phía dưới để đỡ mặt cầu.

Do lượng xe qua lại mỗi lúc một lớn nên vào năm 2003 TP đã xây thêm một cây cầu mới song song với cầu cũ và đặt tên là cầu Nhị Thiên Đường 2. Trước đó đã có đơn vị đề nghị sửa chữa để vừa đảm bảo lưu lượng xe qua lại vừa giữ được kiến trúc cổ. Tuy nhiên sau khi cân nhắc UBND TP đã bác ý kiến này vì dự án không chứng minh được những mục tiêu đề ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Cafe F