Đề xuất giao quyền cho quận, huyện cải tạo chung cư cũ

Cập nhật 11/07/2016 11:15

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất như trên tại buổi thảo luận cơ chế, chính sách xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, tổ chức ngày 8-7.


Nhiều lô chung cư trong cụm chung cư Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) xuống cấp nặng - Ảnh: TIẾN LONG

Từ trước đến nay, việc này thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng TP và UBND TP. Hiện tại, TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp, hư hỏng nặng nề.

Vừa qua, Thành ủy chỉ đạo Sở Xây dựng TP gấp rút kiểm định toàn bộ chung cư hư hỏng trong năm nay.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Xây dựng TP, nếu làm theo cơ chế hiện nay, chắc chắn không đạt tiến độ kiểm định chung cư cũ.

Quận, huyện đồng tình nhưng thấy lo...

Sở Xây dựng TP đề xuất UBND TP kiến nghị với Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho UBND quận, huyện trong việc cải tạo, xây mới chung cư cũ.

Cụ thể, giao quyền cho quận, huyện thực hiện toàn bộ các khâu từ kiểm định; xây dựng kế hoạch di dời; thẩm định năng lực, lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho đến khâu tháo dỡ chung cư cũ.

“Nếu không kiểm định, rà soát, phân loại được chung cư thì không thể nào có kế hoạch cải tạo, xây mới được” - đại diện Sở Xây dựng nói.

Đề xuất của Sở Xây dựng TP được đa số lãnh đạo quận, huyện đồng tình. Tuy nhiên, nhiều người thấy lo vì những công việc nói trên từ trước tới nay do UBND TP và Sở Xây dựng TP đảm trách.

Vì vậy đại diện các quận, huyện đề xuất Sở Xây dựng TP phải có văn bản hướng dẫn cụ thể từng bước về quy chế, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp các quận, huyện thực hiện việc cải tạo, xây mới chung cư cũ...

Đồng thời TP cần có cơ chế ứng trước kinh phí thực hiện kiểm định chung cư.

“Giao toàn quyền cho các quận, huyện nhưng Sở Xây dựng TP cũng cần có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, phối hợp về mặt nghiệp vụ để các quận, huyện thực hiện đúng thời gian kiểm định chung cư đã đề ra” - lãnh đạo một quận chia sẻ.

Phân nhóm chung cư cũ

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP kiến nghị UBND TP chấp thuận phương thức tái định cư tại chỗ, không bồi thường khi xây mới chung cư để đẩy nhanh tiến độ.

Theo đó, khi tháo dỡ chung cư cũ để xây mới, các hộ dân trong chung cư sẽ được bố trí tạm cư và sẽ quay về tái định cư tại căn hộ mới có diện tích tương đương khi công trình xây dựng xong.

Nếu người dân không có nhu cầu, họ có quyền bán căn hộ đó theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai.

Theo Sở Xây dựng TP, việc này nhằm khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thỏa thuận bồi thường giữa cư dân và chủ đầu tư xây chung cư mới.

Vì trên thực tế có nhiều chung cư chỉ còn 5% hộ dân chưa đạt thỏa thuận với chủ đầu tư nhưng vẫn không giải tỏa được mặt bằng khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài, tranh chấp triền miên...

“Xưa nay chủ đầu tư sợ nhất chuyện thỏa thuận với cư dân, chỉ cần một số cư dân không đồng tình, dự án sẽ không thực hiện được” - đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Thực tế hiện nay, chủ đầu tư có xu hướng chọn lựa các dự án chung cư có vị trí “đắc địa”, trung tâm và ngó lơ các chung cư khác không thuận lợi, hấp dẫn.

Vì vậy, tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng TP cần lập bộ tiêu chuẩn để phân chia số chung cư cũ thành các nhóm theo hai tiêu chí thuận lợi và không thuận lợi.

Từ đó, tạo cơ chế cho chủ đầu tư đề xuất phương án cụ thể theo từng dự án để thu hồi vốn.

Ngoài ra, theo chuyên gia bất động sản, cần cho phép chủ đầu tư tăng thêm số lượng căn hộ khi xây mới chung cư để đảm bảo vừa đủ căn hộ cho dân tái định cư, vừa đảm bảo thu hồi vốn và lãi cho chủ đầu tư...

Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ là trăn trở của lãnh đạo TP. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo cơ chế, cách làm cũ, không có đột phá thì “bài toán” xây mới chung cư cũ sẽ giải quyết rất chậm.

Người dân sống trong điều kiện chung cư xập xệ rất nguy hiểm. Vì vậy, UBND TP giao cho Sở Xây dựng TP chủ trì cùng với các sở, ngành và quận huyện tiến hành đánh giá, phân nhóm các chung cư cũ.

Sau đó, tùy số lượng nhà đầu tư quan tâm, địa phương sẽ có cách giải quyết linh hoạt, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án.

Về mặt quản lý nhà nước, ông Khoa lưu ý các quận, huyện cần quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Sở Xây dựng TP cần tính toán lại quỹ nhà tạm cư.

“Nếu cần sẽ hỗ trợ hết sức cho chủ đầu tư để đảm bảo thời gian di dời, giải tỏa mặt bằng thực hiện nhanh dự án” - ông Khoa nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ