Đề xuất đấu thầu cao tốc 20.000 tỷ: Có thể toan tính...

Cập nhật 04/01/2019 09:16

Để kéo nhà đầu tư tham gia dự án, chủ đầu tư cần làm rõ thiết kế, tổng mức đầu tư, nhà đầu tư hoàn vốn với hình thức nào...

Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vừa kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu thầu rộng rãi để đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm, cam kết của các bên khi thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng). Điều đáng nói, Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư "khách mời" của tỉnh Cao Bằng.

Trước đó, sau nhiều năm không có nhà đầu tư nào tham gia dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cùng đơn vị tư vấn đã điều chỉnh thiết kế, đưa tổng mức đầu tư dự án xuống còn 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với nghiên cứu đề xuất của các nhà đầu tư trước đó.

Bình luận về việc Tập đoàn Đèo Cả đề nghị tỉnh Cao Bằng lựa chọn thực hiện dự án theo phương thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án dù tập đoàn này đang là nhà đầu tư khách mời, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc, đấu thầu dự án là rất tốt bởi nó sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác trong nước có năng lực, kinh nghiệm tham gia nghiên cứu tham gia tìm giải pháp đầu tư tối ưu, góp phần hỗ trợ tỉnh Cao Bằng sớm thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, đối với Tập đoàn Đèo Cả, đề xuất được đơn vị này đưa ra, theo vị chuyên gia cũng là xác đáng, hợp lý trong bối cảnh Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra tổng mức đầu tư cho dự án thấp hơn ban đầu quá nửa.

"Dự án được Tập đoàn Đèo Cả và đơn vị tư vấn điều chỉnh thiết kế nên tổng mức đầu tư giảm từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ so với nghiên cứu đề xuất trước đó.

Bởi tổng mức đầu tư 20.938 tỷ thấp hơn rất nhiều so với ban đầu nên liệu có hay không khả năng nhà đầu tư đề nghị đấu thầu để nâng giá lên?

                                   

Nhà đầu tư kiến nghị đấu thầu rộng rãi cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Ảnh: Dân trí

Nếu thực hiện dự án với mức giá 20.938 tỷ theo hình thức chỉ định thầu rất có thể nhà đầu tư sẽ bị lỗ. Trong khi đó, nếu đấu thầu rộng rãi, đương nhiên mức giá sẽ được tính lại và thật hơn. Tất nhiên, khi đấu thầu, Tập đoàn Đèo Cả sẽ được ưu tiên dù họ trúng thầu thì mức giá hoàn toàn có thể được đẩy lên cao hơn con số 20.938 tỷ.

Vì thế, ý kiến nhà đầu tư đưa ra cũng ra là xác đáng để đảm bảo sự công khai, minh bạch", PGS.TS Nguyễn Đình Thám bày tỏ quan điểm.

Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Đình Thám cũng lưu ý, dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được tỉnh Cao Bằng kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng suốt nhiều năm không có mấy nhà đầu tư quan tâm. Điều này xuất phát từ chính vị trí thực hiện dự án, đây là tuyến đường biên giới, lượng khách qua lại không thể đông đúc như các tuyến đường ở đô thị lớn, chưa kể việc thi công sẽ gặp nhiều khó khăn do địa hình núi cao, nhiều đèo dốc...

Vì lẽ đó, dù dự án muốn lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi thì theo vị chuyên gia, cũng phải ưu tiên giải quyết một số vấn đề trước nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư khác tham gia.

Thứ nhất, tỉnh Cao Bằng phải đứng ra tổ chức đấu thầu về thiết kế trước, trên cơ sở đó đưa ra con số tổng mức đầu tư khởi điểm rồi mới cho đấu thầu thi công.

"Đấu thầu dựa trên một thiết kế không rõ ràng thì rất khó, khả năng có nhà đầu tư tham gia là rất ít bởi các số liệu chưa được làm rõ, chưa thỏa đáng. Nếu chỉ có một nhà đầu tư tham gia thì nó sẽ thành chỉ định thầu, mà giá thầu khi đó nhà đầu tư bỏ bao nhiêu là do họ quyết định.

Con số 20.938 tỷ đồng không phải là con số đưa ra để đấu thầu thi công. Chỉ có trên cơ sở đấu thầu thiết kế mới có thể đưa ra được con só tổng mức đầu tư ban đầu của dự án", ông nói.

Thứ hai, tỉnh Cao Bằng mới xác định thực hiện dự án cao tốc nói trên theo hình thức PPP, nhưng cụ thể là hình thức đầu tư nào (BT, BOT hay hình thức nào khác) cũng cần phải làm rõ. Khi làm rõ hình thức đầu tư, mới xác định nhà đầu tư thu hồi vốn lại bằng cách nào, họ được lợi gì... thì mới thu hút được nhà đầu tư.

"PPP, nói một cách đơn giản, là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dự án có hấp dẫn được nhà đầu tư hay không chính là ở chỗ dự án ấy mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư nếu như họ góp vốn? Vì thế, phải xác định rõ: Nhà nước góp vốn bao nhiêu? Nhà đầu tư góp bao nhiêu? Bản thân nhà đầu tư được lợi gì nếu tham gia? Nếu không xác định rõ chỗ này thì không ai dám đầu tư.

Đặc biệt, phải rất chú ý đến tỷ lệ vốn góp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư để tránh bị rơi bẫy.

Chẳng hạn, một dự án ban đầu đánh giá không chính xác, đưa ra tổng mức đầu tư 470 tỷ đồng, khi đấu thầu mức giá lên 500 tỷ đồng. Nếu Nhà nước góp 470 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ góp 30 tỷ đồng thì lúc đó coi như nhà đầu tư "tay không bắt giặc". Nếu dự án mà do Nhà nước đầu tư hoàn toàn thì tôi tin chắc sẽ có rất đông nhà đầu tư tham gia đấu thầu.", PGS.TS Nguyễn Đình Thám lưu ý.



Diaoconline.vn – Theo Báo Đất Việt