“Trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), với trên 30 m2 đất chủ đầu tư phải bồi thường cho người dân tới 19 tỉ đồng (trên 600 triệu đồng/m2 - PV). Trong khi đó, mức bồi thường theo bảng giá đất của TP với vị trí và diện tích đó chỉ ở mức gần 1,5 tỉ đồng. Việc bồi thường với mức cao như vậy liệu có tạo ra tiền lệ? Làm sao để bồi thường hợp lý cho người dân khi họ bị thu hồi đất?”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Trí nêu thực tế tại buổi làm việc của đoàn công tác Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết thi hành và sửa đổi Luật Đất đai tại Bắc Ninh ngày 11-1.
Theo ông Lê Ngọc Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, vướng mắc lớn nhất trong Luật Đất đai hiện nay là xác định giá đất. Cụ thể, theo quy định tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất, tiền sử dụng đất thu từ chủ đầu tư… phải theo giá thị trường nhưng Nhà nước lại đưa ra khung cứng về giá đất. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tiệm - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh đề xuất: “Không nên quy định khung giá đất tối đa, chỉ cần quy định giá đất tối thiểu và quy định nguyên tắc xác định giá đất trên thị trường. Đối với đất nông nghiệp, nên quy định giá đất chung cho từng khu vực như đồng bằng, trung du và miền núi”.
Về tiền sử dụng đất, Cục Thuế Bắc Ninh cho rằng cách thu hiện nay còn nhiều bất hợp lý. Với việc thu theo bảng giá của tỉnh, mỗi năm nhà nước thất thu khoảng 35%-40% tiền sử dụng đất lẽ ra phải thu được. Ông Khoa cũng khẳng định: “Đã là kinh tế thị trường thì giá đất cũng phải theo giá thị trường. Hiện việc giải phóng mặt bằng chủ yếu vẫn do chủ đầu tư đứng ra làm. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là Nhà nước phải làm việc này, rồi đem đất sạch ra đấu giá. Đó mới là giá thị trường”. Ông Tiệm cũng cho rằng Nhà nước cần thu hồi đất và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất đấu giá. Tuy nhiên, những năm qua tổ chức này rất ít đưa được đất ra đấu giá do chưa có cơ chế hoạt động.
Tại buổi làm việc, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ cơ chế góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp đối với các dự án sản xuất, kinh doanh. Cơ chế này (dựa trên thực tế ở Sơn La và một số vùng nuôi trồng thủy sản) đảm bảo cho người dân có nguồn thu ổn định từ đất. Tuy nhiên, đề xuất này phải gác lại chờ sửa đổi Luật Đất đai vì liên quan đến việc có giao lại đất nông nghiệp cho người dân hay không.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP