Đề xuất cho sở hữu tư nhân về đất đai

Cập nhật 27/08/2011 10:50

Việc lấy đất làm dự án phần lớn không qua mua bán là đặt đất đai ra ngoài nền kinh tế thị trường.

“Sở hữu toàn dân về đất đai, người dân được gì?” là câu hỏi lớn được đặt ra tại hội thảo Tư vấn sửa đổi Luật Đất đai do Hội Khoa học đất Việt Nam tổ chức ngày 26-8.

Ông Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai, ĐH Luật Hà Nội, khẳng định: Mâu thuẫn mấu chốt trong Luật Đất đai 2003 là vấn đề sở hữu. “Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Như thế có nghĩa Nhà nước thích thu hồi bao nhiêu, thích bồi thường như thế nào, người dân đều phải chịu hay sao? Nếu bây giờ cứ tiếp tục làm vậy, người dân sẽ không chịu đâu” - ông Tuyến nói.

PGS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Trung ương, phân tích thêm: “Thực chất sở hữu toàn dân về đất đai thì làm gì có ông chủ. Nhà nước được định giá đất, người dân chỉ còn nước bó tay khi bị thu hồi đất chứ chẳng có quyền gì. Giá đất mà Nhà nước định ra chỉ tạo ra sự phân hóa xã hội, giúp cho một bộ phận người có cơ hội trục lợi”.

Theo ông Đoàn, việc Luật Đất đai xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và việc lấy đất làm dự án phần lớn không qua mua bán là đặt đất đai ra ngoài nền kinh tế thị trường. Từ đó, người dân không thực hiện được quyền của mình một cách đầy đủ. Tất cả rối loạn về kinh tế liên quan đến đất đai đều xuất phát từ điểm then chốt này.


Đất đai là tài sản lớn nên cần phải quy định rõ về vấn đề sở hữu. Trong ảnh: Người dân quận 2,TP.HCM làm thủ tục lãnh tiền đền bù thu hồi đất. Ảnh: HTD

Ông Đoàn cho rằng trong cơ chế thị trường, đất đai là những tài sản có giá và được mua bán, mặc cả. Chủ sở hữu đất đai phải gồm những người tham gia vào việc mua bán đất, đó là: Nhà nước, tập thể và tư nhân. Hầu hết các nước đều công nhận sở hữu tư nhân về đất đai bởi điều đó làm cho người dân sử dụng đất tốt hơn, Nhà nước dễ quản lý hơn.

“Đất đai là tài sản lớn, vì vậy cần phải quy định rõ về vấn đề sở hữu. Nhưng tại sao mỗi lần sửa đổi Luật Đất đai, ta vẫn bàn đến sở hữu toàn dân về đất đai? Vì sở hữu này chưa mang lại lợi ích thiết thực. Về chính danh, người dân phải được sở hữu tư nhân về đất đai” - ông Tuyến nêu rõ.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng lâu nay rất không được lòng dân. Đã có trường hợp người dân chỉ được bồi thường với giá 800.000 đồng/m2, ngay sau đó chủ đầu tư bán lại với giá 25-30 triệu đồng/m2. Không thể chấp nhận sự bất bình đẳng lớn đến vậy.

Bà TRẦN THỊ MINH CHÂU, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Luật Đất đai 2003 phân rất nhiều quyền cho các địa phương nhưng lại không có cơ chế để giám sát. Đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện có sai phạm nhưng thực tế các sai phạm ấy được xử lý đến đâu, có ông nào bị kỷ luật không.

Ông NGUYỄN QUANG TUYẾN, Trưởng bộ môn Luật Đất đai, ĐH Luật Hà Nội
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP