Đề xuất bỏ mức trần giá dịch vụ nhà chung cư

Cập nhật 22/12/2011 09:50

Theo Sở Xây dựng, giá dịch vụ nhà chung cư nên được điều tiết theo quy luật thị trường.

“Việc ban hành giá dịch vụ nhà chung cư để khống chế mức trần theo Nghị định 71/2010 là không cần thiết, không phù hợp quy luật thị trường. Đây là giao dịch dân sự về sử dụng dịch vụ nhà chung cư, do đó giá dịch vụ là giá thỏa thuận” - Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong văn bản trình UBND TP đề xuất không ban hành quyết định giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn.

Quan hệ dân sự, Nhà nước không can thiệp

Sở Xây dựng cho hay tại các cuộc họp góp ý dự thảo quyết định giá dịch vụ nhà chung cư do Sở chủ trì soạn thảo, đa số doanh nghiệp là chủ đầu tư chung cư bày tỏ ý kiến như trên. Các sở, ngành khác như Sở Tư pháp, Sở Tài chính cũng đặt vấn đề về tính khả thi, thực tiễn áp dụng của từng địa phương khi ban hành quyết định này. Bản thân Sở Xây dựng cũng nhận thấy giá dịch vụ nhà chung cư thuộc quan hệ dân sự, do bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở hợp đồng dân sự, được điều tiết theo quy luật thị trường.

“Nếu TP ban hành quyết định về giá dịch vụ nhà chung cư thì khi có tranh chấp về mức giá, thay vì phải giải quyết theo hợp đồng, các bên sẽ khiếu nại hoặc khiếu kiện quyết định công bố giá này” - Sở Xây dựng lưu ý. Cũng theo sở này, cơ quan nhà nước không thể điều chỉnh giá dịch vụ nhà chung cư theo kịp xu thế biến động của giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường.

Ngoài ra, Sở Xây dựng còn cho rằng căn cứ pháp lý để xây dựng giá dịch vụ nhà chung cư chưa đầy đủ. Cụ thể, Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho dịch vụ công ích (theo Nghị định 71, dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được hưởng các cơ chế như đối với dịch vụ công ích). Do đó, Sở chưa đủ cơ sở pháp lý để tham mưu cho TP ban hành quyết định giá dịch vụ nhà chung cư.

Giá dịch vụ nhà chung cư thuộc quan hệ dân sự nên được điều tiết theo quy luật thị trường. Trong ảnh: Chung cư Tản Đà, quận 5 đã từng xảy ra tranh chấp về giá giữ xe. Ảnh: HTD

“Đề xuất UBND TP chưa ban hành quyết định công bố giá dịch vụ nhà chung cư trong thời điểm hiện nay, đồng thời có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh quy định về việc giao UBND cấp tỉnh ban hành giá dịch vụ nhà chung cư” - Sở Xây dựng có ý kiến.

Có ban quản trị, chủ đầu tư đâu thể ép


Gần đây nhất, tranh chấp tại chung cư Keangnam (Hà Nội) diễn ra khá căng thẳng. Dù chủ đầu tư hạ phí dịch vụ từ 21.000 đồng/m2/tháng xuống 17.000 đồng/m2/tháng nhưng các cư dân vẫn chưa chấp thuận. Trong khi đó, giá dịch vụ chung cư do UBND TP Hà Nội đưa ra chỉ có 4.000 đồng/m2 (giá này theo chủ đầu tư Keangnam là “chưa đủ vận hành 10 thang máy”). TP.HCM cũng có các tranh chấp về giá giữ xe như tại chung cư Tản Đà…

Để cân bằng quyền lợi của các bên, tránh tình trạng chủ đầu tư đưa ra giá dịch vụ “trên trời”, Nghị định 71/2010 yêu cầu các chi phí dịch vụ khi sử dụng nhà chung cư không được cao hơn mức giá do UBND cấp tỉnh quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Vậy việc Nhà nước “thả nổi” giá dịch vụ nhà chung cư (như đề xuất của Sở Xây dựng) sẽ điều tiết được các tranh chấp hay khiến tranh chấp bùng phát hơn?

Từ tháng 3 đến tháng 6-2011, Sở Xây dựng đã tổ chức điều tra, khảo sát giá dịch vụ tại 50 chung cư, kết quả nhận được 18 văn bản trả lời. Theo đó, mức giá dịch vụ cao nhất là 23.000 đồng/m2/tháng gồm năm dịch vụ thiết yếu, điện, nước phục vụ khu vực công cộng và các dịch vụ khác. Giá thấp nhất là 2.000 đồng/m2/tháng (gồm bốn dịch vụ thu gom rác, vệ sinh, bảo vệ an ninh, vận hành thang máy).
Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, ông Lê Chí Hiếu, đồng tình với đề xuất của Sở Xây dựng. Lý do là có rất nhiều loại hình chung cư với chất lượng khác nhau, do đó không thể đưa ra một con số để áp dụng chung. Nhất là chung cư cao cấp có nhiều yêu cầu khác nhau, các dịch vụ cơ bản tại chung cư cao cấp cũng khác với chung cư trung bình. Theo ông Hiếu, có chăng cơ quan nhà nước nên ban hành khung giá cho các loại dịch vụ cơ bản và tối thiểu nhưng cũng chỉ mang tính tham khảo, không bắt buộc.

Cũng theo ông Hiếu, việc Nhà nước không ban hành khung giá tối đa không làm phát sinh quyền “ép giá” của chủ đầu tư như lo ngại. Nguyên nhân là theo quy định, chung cư phải thành lập ban quản trị gồm đại diện các hộ dân, chủ đầu tư chỉ là một thành viên trong ban. Ban quản trị sẽ quyết định các chi phí dịch vụ cho nhà chung cư.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho hay nếu các chung cư đều thành lập ban quản trị thì sẽ không có chuyện tranh chấp về giá dịch vụ. “Nếu muốn dịch vụ tốt thì ban quản trị quyết định thuê với giá cao, hoặc ngược lại. Vậy Nhà nước ban hành khung trần làm chi?” - ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, lại cho rằng Sở Xây dựng nên tham mưu TP ban hành một hướng dẫn về giá dịch vụ nhà chung cư. “Sở không can thiệp sâu nhưng phải có nhiệm vụ hướng dẫn, định hướng thay vì để hết cho các bên tự lo liệu. Hướng dẫn về giá dịch vụ chung cư có thể không mang tính bắt buộc nhưng sẽ là cơ sở mang tính tương đối để chủ đầu tư và người dân tham khảo” - ông Đực kiến nghị.

Nhiều lần dự thảo nhưng đều vấp tính khả thi

Năm 2009, Bộ Xây dựng có Thông tư 37 giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định mức tối đa hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư theo từng cấp nhà, hạng nhà chung cư, chất lượng dịch vụ và tình hình thực tế của địa phương. Sau rất nhiều lần dự thảo, cuối cùng Sở Xây dựng đã trình UBND TP dự thảo quyết định về quy định khung giá dịch vụ nhà chung cư. Theo đó, mức phí được chia thành bốn nhóm tương ứng với bốn hạng chung cư.

Đến năm 2010, dự thảo trên bị bác toàn bộ. TP yêu cầu Sở Xây dựng hoàn chỉnh lại dự thảo theo hướng không phân hạng, diện nhà chung cư mà nên chia thành hai loại dịch vụ: Loại cần thiết áp dụng chung cho mọi chung cư như thu gom rác, vệ sinh, an ninh trật tự, giữ xe, bảo vệ… và loại dịch vụ khác mang tính thỏa thuận giữa hai bên. Sở tiếp tục điều chỉnh dự thảo theo hướng trên nhưng đến nay thì đề xuất bỏ luôn.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP