Để vốn nhà đất chuyển từ “tĩnh” sang “động”

Cập nhật 28/09/2009 08:20

Bản thân bất động sản là nguồn tài sản (vốn tĩnh) khổng lồ nhưng chưa có cơ chế chuyển hóa thành những nguồn vốn động. Ảnh: Lê Toàn

Trước những chuyển động của nền kinh tế trong quí 3-2009, việc tìm lời giải về vốn cho thị trường bất động sản tiếp tục được đặt ra. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng bất động sản là nguồn vốn tĩnh khổng lồ nhưng chưa có cơ chế chuyển hóa thành những nguồn vốn động, góp phần kích hoạt nền kinh tế phát triển.

Trong một cuộc hội thảo tại triển lãm quốc tế chuyên ngành bất động sản và trang trí nội ngoại thất (VNREA Expo) vừa diễn ra tại TPHCM, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Vinaland Invest, đưa ra con số ước tính tổng giá trị nhà ở tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM là xấp xỉ 123 tỉ đô la Mỹ (tính theo giá bán trung bình mỗi mét vuông nhà hiện nay).

Con số trên chưa bao gồm giá trị của đất đai, vô số văn phòng, khách sạn, các loại công trình, nhà xưởng... Điều này cho thấy bản thân bất động sản có giá trị khổng lồ, nếu chúng được đảm bảo để chuyển hóa thành vốn động thì nền kinh tế không quá thiếu hụt nguồn vốn như trong thời gian vừa qua.

Theo ông Hoàng, khối tài sản lớn này cần có cơ chế thuận lợi hơn để chuyển hóa thành các khoản tín dụng bất động sản - có trích lập phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó là những cơ chế, công cụ điều hành giúp tăng tính thanh khoản cho các khoản nợ vay thông qua các định chế tài chính trung gian (các “đại lý tín dụng bất động sản”) chuyên mua bán các khoản tín dụng này.

Ông Hoàng nhấn mạnh rằng, đối với những nước chưa có nhiều kinh nghiệm và hệ thống pháp luật chưa chi phối chặt chẽ như Việt Nam, việc thành lập một tổ chức thuộc nhà nước giữ vai trò một “tổng đại lý” tín dụng bất động sản là cần thiết, giúp cho hoạt động tín dụng bất động sản trở nên an toàn hơn thông qua hệ tiêu chuẩn mà “tổng đại lý đặt ra”.

Tổ chức này có thể là một quỹ phát triển nhà được nhà nước cấp vốn vào bảo lãnh huy động từ thị trường tài chính, bảo đảm bằng các khoản tín dụng bất động sản và bảo đảm của nhà nước.

Cũng trong hướng khai thác hiệu quả nguồn vốn được đảm bảo bằng giá trị bất động sản, ông William Ross, Giám đốc quản lý tài chính Ngân hàng HSBC, đề nghị một cơ chế và khung pháp lý giúp hình thành ngành cầm cố bất động sản dài hạn (đến vài chục năm) và một thị trường mua bán nợ dựa trên những tài sản cầm cố đó.

Theo ông Ross, việc này cần một hệ tiêu chí và một hành lang pháp lý đủ mạnh để tạo những công cụ xử lý hiệu quả các trường hợp nợ trễ hạn, thậm chí là vỡ nợ. Điều này ở Việt Nam chưa thật trơn tru nhưng định hướng khai thông một thị trường mua bán nợ sẽ giúp dòng vốn luân chuyển nhanh, từ đó tài trợ hiệu quả cho việc phát triển thị trường.

Liên quan vấn đề này, ông Ross viện dẫn thực tế ở Việt Nam cho thấy rất nhiều trường hợp khi thanh toán nợ đáo hạn nhất thiết phải bán xong bất động sản mới có tiền trả nợ. Đặc tính thanh khoản chậm của bất động sản khiến các khoản nợ mặc dù có tài sản thế chấp vẫn vận hành hết sức khó khăn.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG