Để người nghèo được hưởng lợi

Cập nhật 12/05/2009 11:30

Với 1/3 dân cư đô thị đang gặp khó khăn về nhà ở và 70% trong số họ ở lứa tuổi từ 18-30 cho thấy, sự thiếu hụt về nhà ở hiện nay là rất nghiêm trọng.

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp (DN), nhà ở cho Học sinh - Sinh viên (HSSV) và công nhân đương nhiên đi kèm các trường học và khu công nghiệp (KCN) nên với cơ chế, chính sách đã ban hành sẽ không phức tạp lắm và dễ triển khai hơn. Riêng đối với nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) phải có giá thành thấp, đảm bảo về chất lượng và vị trí thuận lợi.

3 tiêu chí này thoạt nhìn xem ra mâu thuẫn với lợi ích của DN nhưng nếu có “cơ chế đặc thù” thì việc triển khai rất khả quan. Vấn đề ở chỗ làm thế nào để hấp dẫn nhà đầu tư, bởi DN không thể đầu tư vào một dự án mà biết chắc chắn lỗ hoặc các yếu tố rủi ro cao. Ngược lại, với người TNT thì dù có được mua nhà giá rẻ nhưng lại cách nơi làm việc đến ba bốn chục cây số thì đương nhiên họ cũng không mua, hoặc có mua lại cho thuê lại, họ sẽ tiếp tục đi thuê những căn nhà ổ chuột miễn sao được gần nơi làm việc để tiện đi lại, chưa kể đến chuyện các gia đình có con nhỏ phải đi học.

Như vậy, dù có xây bao nhiêu căn nhà thì vẫn không thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho người TNT nếu “đẩy” họ ra quá xa trung tâm. Đây là ý kiến mà Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lưu ý các địa phương khi triển khai thực hiện nhà ở cho người TNT. Quan điểm này được các DN nhiệt tình hưởng ứng. Vấn đề ở chỗ như thế nào là hợp lý để đảm bảo DN không lỗ và người TNT được mua nhà giá thấp.

“Nhà ở xã hội (NƠXH) phải gắn với môi trường sống” là ý kiến của ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Phát triển Nhà Thủ Đức. Theo ông Hiếu, với người dân đôi khi công việc của họ không phải trong văn phòng mà là những công việc đường phố, thường phải gắn với nơi công cộng như chạy xe ôm, bán hàng… nếu nơi ở mới xa nơi kiếm sống thì rất bất tiện.

“Về chất lượng nhà ở cho người TNT không đồng nghĩa với chất lượng thấp, nó phải tương đương nhà ở thương mại. Chất lượng công trình có 2 phần, phần thô thì nhà ở loại nào cũng phải theo tiêu chuẩn như nhau, có khác là ở vật liệu hoàn thiện”- ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP VINACONEX khẳng định.

Bà Tạ Thị Ngọc Thảo - Tổng Giám đốc Cty TNHH TTNH thì cho rằng, NƠXH là bài toán kinh tế, phải giải bằng bài toán kinh tế. Vậy giải bài toán kinh tế này thế nào? Theo ý kiến của một số DN, hãy giải quyết cho người TNT ngay tại chỗ, người TNT ở quận nào vẫn ở quận đấy. Muốn vậy, nhà ở cho người TNT không nhất thiết phải thấp tầng, miễn là phù hợp với quy hoạch. Chẳng hạn như DN xây một căn nhà 15 tầng, trong đó có bao nhiêu căn dành cho người TNT, các căn còn lại DN bán theo giá kinh doanh và DN được sử dụng tầng 1 làm dịch vụ để bù các tầng trên. Như vậy sẽ không còn vấn đề phân biệt “khu nhà cho người giàu hay nhà cho người nghèo”, nhưng lại phát sinh vấn đề phí dịch vụ.

Tính đơn giản phí dịch vụ cho mỗi căn hộ trung bình mất khoảng 150 - 600 ngàn đồng/tháng, mức phí này người TNT rất khó chi trả, chưa kể đến mức phí có thể còn cao hơn phụ thuộc vào quy mô của toà nhà. Chủ đầu tư sẽ phải tính toán để “bù” chi phí này làm sao người TNT có mức phí dịch vụ chấp nhận được. Để hấp dẫn nhà đầu tư hơn nữa thì bài toán kinh tế và tính khả thi cho vấn đề NƠXH cũng cần được xem xét đến yếu tố khống chế “lợi nhuận định mức tối đa là 10% chi phí đầu tư” được quy định trong khoản 2, khoản 3 điều 4 tại Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng như vậy sẽ tập trung số dân vào trong đô thị nhưng trên thực tế tính khả thi cho vấn đề này còn cao hơn nhiều so với việc “giãn dân” bằng cách xây dựng NƠXH ở các khu ngoại ô lại cách quá xa nơi cư dân sinh sống và làm việc.

Nhiệt tình hưởng ứng chủ trương của Chính phủ với nguyện vọng được tham gia chương trình NƠXH, ông Nguyễn Quang Mẫn - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Sông Hồng cho biết: Tổng Cty Sông Hồng mong muốn được Chính phủ và Bộ Xây dựng giao cho thực hiện các dự án này. Với loại NƠXH không nhất thiết phải có lợi nhuận cao mà trước hết DN đảm bảo SXKD, đương nhiên là không lỗ, nhưng giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động, tiêu thụ được các sản phẩm hiện có của Tổng Cty vào các dự án như gạch xây, gạch lát nền, nhôm, thép…”.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng