Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã có quyết tâm giữ lại bằng được 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội cũng như sinh kế lâu dài của nông dân, nhưng vấn đề là làm thế nào để giữ được những “bờ xôi ruộng mật” như chủ trương đề ra.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cơ quan vừa được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa (mới), xung quanh vấn đề này.
Nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh: T.M.T.
|
* Thưa ông, vì sao chúng ta tính toán cần phải giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa?
Ông NGUYỄN TRÍ NGỌC: Trong những năm qua, do nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội nên chúng ta đã sử dụng khá nhiều quỹ đất, trong đó có việc chuyển đổi mục đích đất lúa sang các mục đích khác. Trong khi đó, sức ép dân số ngày càng tăng nhưng đất đai lại không thể “đẻ” thêm nên quỹ đất càng thu hẹp. Dân số tăng nhanh nên cần đặt ra bài toán đảm bảo an ninh lương thực trong dài hạn. Muốn trồng cây lương thực dứt khoát phải giữ lại đất lúa. Do đó, Bộ Chính trị đã thông qua đề án an ninh lương thực quốc gia. Trong thông báo số 53 của Bộ Chính trị đã khẳng định, để đảm bảo an ninh lương thực, mục tiêu đến năm 2020 phải đảm bảo giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa, trong đó 3,2 triệu ha chuyên trồng lúa nước.
Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia (2011 - 2020), trong đó có chỉ tiêu về bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa. Để thực hiện nghị quyết trên, Thủ tướng đã giao Bộ NN-PTNT thực hiện 2 nhiệm vụ lớn, quy hoạch chi tiết những khu vực trồng lúa nước trong phạm vi cả nước để có căn cứ xác định những khu vực trồng lúa nước cần bảo vệ và sau khi có quy hoạch chi tiết thì phải xây dựng nghị định về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, đưa ra được những chính sách cụ thể để đảm bảo giữ đất lúa, trình Thủ tướng xem xét.
Hiện nay, quy hoạch chi tiết về đất trồng lúa đã được chúng tôi hoàn thành và Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng, chờ phê duyệt. Do quy hoạch chi tiết đến từng tỉnh, huyện, xã nên đã xác định rõ từng khu vực cần phải giữ lại đất lúa. Còn dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa (mới) thay thế, bổ sung Nghị định 69 đã ban hành năm 2009 cũng đã hoàn thành việc lấy ý kiến đóng góp và đang chờ Bộ Tư pháp thẩm định.
* Bên cạnh quy hoạch chi tiết những khu vực đất lúa cần giữ lại, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu phải cắm mốc ranh giới đất lúa đến từng xã. Liệu chúng ta có làm được?
Hiện nay chúng ta đang đưa ra 2 phương án. Cắm mốc chỉ giới đến tận từng xã, xác định rõ 3,222 triệu ha đất lúa nước chuyên 2 vụ cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, không cho phép chuyển đổi nhưng theo tôi phương án này không khả thi vì đất lúa của chúng ta rất manh mún, hơn nữa cắm mốc xong vẫn có thể bị nhổ đi. Cho nên, phương án khả thi hơn có thể xác định “chỉ giới đỏ” trên bản đồ đất đến cấp xã, tỷ lệ 1/1.000 đối với xã nhỏ và 1/200 đối với xã lớn. Trong đó, xác định rõ những vị trí nào cần phải giữ lại để làm đất lúa, chỉ được trồng lúa. Để đảm bảo giữ được 3,8 triệu ha đất lúa, đến năm 2013 cần phải hoàn thành việc xác định “chỉ giới đỏ” trong phạm vi cả nước.
* Mặc dù vậy, vẫn có thể tái diễn tình trạng chính quyền nhiều tỉnh vẫn cố tình chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác?
Để khắc phục tình trạng này, theo tôi cần quy định lại thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa theo hướng không giao cấp tỉnh, chỉ Trung ương mới có quyền quyết định. Cụ thể, đối với đất lúa 2 vụ, muốn chuyển đổi với diện tích từ 30ha trở xuống do Thủ tướng quyết định, còn trên 30ha phải trình Quốc hội quyết định. Còn đối với diện tích đất lúa khác, dưới 50ha do Thủ tướng, trên 50ha do Quốc hội quyết định. Chỉ có làm như thế, các địa phương mới không thể lách luật như trước đây bằng cách chia nhỏ dự án theo kiểu chỉ vẽ đến 49ha. Bỏ hẳn quyền của cấp tỉnh đi thì họ không thể lách được.
Hiện nay, theo kiểm tra của Bộ NN-PTNT cả nước vẫn còn 4,1 triệu ha đất lúa. Theo định hướng từ nay đến năm 2020, chúng ta vẫn phải đảm bảo quỹ đất cho các mục đích khác như làm đường giao thông, xây dựng các khu du lịch, khu đô thị, thậm chí trong cùng một xã cũng cần có quỹ đất để làm trường học, nhà văn hóa… nên tinh thần của chúng tôi vẫn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng khuyến khích xây dựng ở những khu vực không có lợi thế về trồng lúa, như khu vực trung du, đồi núi, ven biển… Dứt khoát phải giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa theo quy hoạch chi tiết và “chỉ giới đỏ”.
* Rất nhiều địa phương, nhất là các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, đã đề nghị chỉ nên giữ diện tích đất lúa ở mức 3,6 triệu ha vì chỉ “độc canh” cây lúa không đủ thu ngân sách. Ông nghĩ sao?
Đúng là ở các địa phương có diện tích trồng lúa lớn, nguồn thu ngân sách sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của địa phương. Do đó, để các địa phương yên tâm bảo vệ đất lúa, không chạy đua làm công nghiệp hoặc chuyển quyền sử dụng đất lúa nước sang mục đích khác để tăng ngân sách, theo tôi cần cơ cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đối với họ. Trong đó, giải pháp khả thi là khi phân bổ ngân sách cho địa phương, cần ưu tiên cho những địa phương trồng nhiều lúa, với nguyên tắc địa phương nào giữ được càng nhiều diện tích đất lúa càng được ưu tiên phân bổ ngân sách…
Trong dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa, chúng tôi cũng đã đưa vào nội dung sẽ cấp bổ sung ngân sách Trung ương cho những địa phương giữ được đất lúa, được quy hoạch trồng lúa nước để đảm bảo phát triển hạ tầng, xã hội… không thua kém những tỉnh công nghiệp, dịch vụ.
* Thưa ông, để giữ đất lúa cần phải thu hút nông dân bám giữ ruộng đồng, thực sự làm giàu từ hạt thóc, chứ như hiện nay nông dân còn nghèo quá. Vậy Nhà nước sẽ hỗ trợ họ như thế nào?
Để thu hút nông dân yên tâm làm ruộng, chia sẻ bớt những khó khăn và rủi ro như hiện nay, chúng tôi đang xây dựng 3 chính sách. Thứ nhất, hỗ trợ đầu vào trong sản xuất như cấp không 100% giống lúa cho các hộ dân trong 1 năm đầu tiên ở những nơi các hộ liên kết sản xuất hàng hóa lớn. Thứ hai, khi gặp thiên tai, dịch bệnh, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% giống, 75% vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) để người dân khắc phục hậu quả. Thứ ba, có thể hỗ trợ 100% tiền công cho những hộ khai hoang phục hóa các diện tích trồng lúa mới.
Đồng thời, để đảm bảo nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi với lợi nhuận tối thiểu 30%, chúng ta cần phải hỗ trợ doanh nghiệp thông qua lãi suất tín dụng và quỹ bình ổn để họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân, cũng như có quyết định thu mua tạm trữ khi cần thiết. Để xây dựng quỹ bình ổn, chúng tôi đang dự kiến nguồn thu từ phí xuất khẩu gạo với mức 0,2% giá trị xuất khẩu mỗi tấn gạo. Từ đó, có thể hỗ trợ, đầu tư trở lại cho nông dân và doanh nghiệp, ngoài ra còn thực hiện đồng bộ hàng loạt chính sách nông nghiệp khác, giúp nông dân thực sự làm giàu từ hạt thóc.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng