Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị sẽ được nâng lên từ 16% đến 26%. Dự kiến này đang trong tiến trình đưa vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi trình Quốc hội vì nguyên nhân ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng ở các đô thị xuất phát từ tỷ lệ đất giao thông ngày càng co hẹp lại.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, việc quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông đô thị nói riêng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do tính thiếu ổn định của quy hoạch, không bố trí đủ quỹ đất cho kết cấu hạ tầng đường bộ đô thị.
Các số liệu báo cáo gần nhất của Sở Giao thông Công chính Hà Nội và Sở Giao thông Công chính TPHCM cho thấy quỹ đất dành cho giao thông đô thị tại Hà Nội chỉ từ 2-3% và 4,5 % tại TPHCM. Tỷ lệ này thấp hơn hẳn bình quân các nước trong khu vực (trung bình 22 - 24%). Hơn nữa, việc chính quyền các địa phương không quản lý chặt chẽ thực hiện quy hoạch dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ.
Đặc biệt là tình trạng không tách riêng được khu vực dân cư, khu vực tổ chức, cơ quan đã tạo ra sự đan xen nhau và dẫn đến vận tải phục vụ xã hội và đi lại của nhân dân không hợp lý, mất thời gian, tốn kém và làm cho kết cấu hạ tầng đường bộ đã thiếu lại càng thiếu.
Tiến độ nhiều dự án xây dựng mới, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông lại chậm. Hệ thống quốc lộ khi vừa cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới xong đã bị các địa phương tận dụng để quy hoạch, xây dựng trụ sở cơ quan, tổ chức… biến dần thành đường đô thị.
Các thành phố, thị xã nhất là những đô thị đặc biệt như thủ đô Hà Nội, TPHCM, trong khi nạn ùn tắc đã xảy ra thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vẫn tiếp tục cấp phép cho mở rộng các cơ sở giáo dục, đào tạo, các bệnh viện, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố mà không thấy trước hậu quả tất yếu của việc tập trung cao mật độ người và phương tiện sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nan giải.
Bộ Giao thông - Vận tải còn cho rằng một số địa phương thậm chí còn giao đất, cho thuê đất, cho xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Việc đấu nối vào các tuyến đường giao thông cũng rất tùy tiện.
Theo một thống kê khác của Cục Đường bộ Việt Nam, đoạn quốc lộ 51 và quốc lộ 55 đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 97 ki lô mét đã có 2.000 công trình vi phạm với 28.160 mét vuông đất; riêng quốc lộ 51 trên chiều dài 73 ki lô mét có 543 điểm đấu nối.
Còn Khu Quản lý đường bộ đưa ra một con số khác: quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.300 ki lô mét có tới 5.666 công trình xây dựng trên đất hành lang an toàn đường bộ; quốc lộ 5 dài 106 ki lô mét có 346 điểm đấu nối.
Với những thiếu thốn và vi phạm như vậy trong quy hoạch giao thông, dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang trình Quốc hội xem xét, dự kiến sẽ nâng quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị lên mức từ 16% đến 26%. Theo đề xuất của Chính phủ, tỷ lệ quy định này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của đất nước và xu hướng chung trên thế giới (phổ biến là dành tỷ lệ từ khoảng 20% đến 25%).