Đề nghị lập tổng công ty xây dựng nhà ở xã hội

Cập nhật 12/08/2011 10:10

“Phấn đấu đến năm 2020, thị trường bất động sản (BĐS) vào mức minh bạch; cơ chế chính sách ổn định, đồng bộ, đầy đủ, đặc biệt là quy định và chính sách quy hoạch đất đai phải được công khai, minh bạch”. Đó là mục tiêu được UBND TP.HCM đề ra trong bản báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình thị trường BĐS.

Trước đó, năm 2008, trong bản báo cáo thị trường BĐS toàn cầu của Tập đoàn Jones Lang LaSalle, thị trường BĐS Việt Nam lên được một bậc, từ nhóm không minh bạch thành nhóm minh bạch thấp.

Kiến nghị thành lập các tổ chức quản lý

Theo phân tích của TP, một hạn chế của thị trường BĐS hiện nay là sự tham gia của Nhà nước còn mờ nhạt, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phải “vừa quản lý tốt thị trường, vừa là nhà đầu tư BĐS lớn nhất” như tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Đại hội X đã nêu. Hiện Nhà nước chỉ mới quản lý chứ chưa thể hiện vai trò điều tiết thị trường. Chưa có doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư xây dựng trực tiếp quỹ phát triển nhà ở xã hội, ký túc xá để quản lý và phát triển hiệu quả quỹ đất do Nhà nước quản lý.

Một trong những giải pháp được TP nêu ra là kiến nghị hình thành các tổ chức đủ năng lực thực thi công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường BĐS hiệu quả. Cụ thể, đó là Trung tâm Nghiên cứu và dự báo thị trường BĐS, giữ nhiệm vụ độc lập nghiên cứu và dự báo tình hình phát triển thị trường BĐS để xây dựng các chính sách, giải pháp định hướng và phát triển phù hợp. Đồng thời, thành lập tổng công ty xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện chức năng nhà nước, tham gia trực tiếp đầu tư xây dựng, phát triển quỹ nhà ở xã hội. Song song là quỹ tài chính ngân sách, thực hiện chức năng đầu tư tài chính nhà nước, quản lý quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tài chính nhà nước để cung cấp nguồn vốn cho tổng công ty xây dựng nhà ở xã hội.

So với chi phí đầu tư, giá nhiều BĐS ở TP.HCM đã chạm đáy. Trong ảnh: Thi công cơ sở hạ tầng một dự án nhà ở tại khu Nam Sài Gòn. Ảnh: HTD

Nửa năm, chỉ có năm dự án khởi công


Theo báo cáo, trong sáu tháng đầu năm, TP có sáu dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp gần 1.700 căn hộ. Trong đó, phân khúc trung bình chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 37%. Có năm dự án mới được khởi công với 1.845 căn hộ. Khu vực có nhiều dự án đang triển khai là các quận 8, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Bản báo cáo của TP nhận xét so với chi phí đầu tư, giá nhiều BĐS ở TP.HCM đã chạm đáy. Lý do là liên tục nhiều năm qua thị trường BĐS của TP bị ngưng trệ, không ít chủ đầu tư buộc phải giảm giá để thu hồi vốn. Sự ngưng trệ này còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như lãi suất ngân hàng tăng cao, các chính sách về vốn, thuế (chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp), đặc biệt là sự mất niềm tin vào thị trường của các nhà đầu tư.

Điều khá gây chú ý là thị trường BĐS TP.HCM hiện đang thu hút nhiều khách hàng đến từ Hà Nội (chiếm khoảng 30% số giao dịch thành công tại những dự án mới chào bán). Theo nhận xét của TP, đó là do nguồn cung dồi dào và giá BĐS thấp hơn thị trường Hà Nội. Những đối tượng này chỉ chú trọng vào dự án có chất lượng cao, triển khai đúng tiến độ, chủ đầu tư có uy tín.

“Tôi thấy lo về con số hàng ngàn, hàng triệu mét vuông nhà ở…”

“Số dự án quy mô lớn phải qua thủ tục tại Sở Xây dựng trong nhiều tháng qua giảm đến 50%-70%” - Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Tấn Bền báo cáo trong cuộc họp ngày 11-8 về tình hình nhà ở tại TP.

Ông Bền cho hay việc triển khai nhiều loại hình nhà ở đang gặp khó khăn. Chẳng hạn nhà lưu trú cho công nhân, Quyết định 66/2009 của Thủ tướng quy định doanh nghiệp đầu tư loại hình này được nhiều ưu đãi về vốn, thuế nhưng thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Hay như KTX sinh viên ĐHQG đang bị tạm ngưng giải ngân giai đoạn 2, Thành ủy TP.HCM vừa phải cho mượn 500 tỉ đồng từ ngân sách TP”…

Cũng theo ông Bền, giai đoạn 2010-2015, TP phấn đấu xây dựng được 39 triệu m2 sàn xây dựng, trung bình diện tích nhà ở bình quân đầu người là 16 m2. Vị chi trung bình mỗi năm TP phải xây 7-8 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín không dưới hai lần bày tỏ lo ngại về vấn đề này. “Tôi thấy lo về các con số hàng ngàn, hàng triệu mét vuông nhà ở. Quỹ đất ở đâu là vấn đề lớn nhất” - ông Tín nói.

Theo ông Tín, quỹ đất phải đi liền với quy hoạch sử dụng đất, do vậy khâu quy hoạch phải được đặc biệt chú trọng. “Vừa qua có năm, sáu trường ĐH xin xây dựng tại Long Phước, quận 9 với quy mô 20-30 ha/trường. Chắc chắn mỗi trường đều phải xây công trình phụ trợ, chiếm rất nhiều diện tích. Vậy sao không tập trung lại để cùng sử dụng chung, chỉ trừ những công trình cần chuyên biệt cho ngành học của trường ĐH đó thì mới xây riêng. Như vậy tránh lãng phí đất đai, để dành quỹ đất cho nhiều việc khác” - ông Tín nói.

Ông Tín cũng chỉ đạo Sở Xây dựng, trong thời gian hai tuần phải trình TP một bản chương trình, thể hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, đặc biệt phân vai cụ thể của từng sở, ngành trong chương trình nhà ở



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP